Thực hiện Kế hoạch số 4627/KH-UBND ngày 16/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tiếp tục thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 -2021. Ngày 25/5/2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động với nội dung về tiền lương người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua tiết mục "Pháp luật & Cuộc sống" nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ những quy định của pháp luật xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.
Nội Dung:
1) Thưa bà, Theo quy định của Bộ luật lao động thì việc trả lương cho người lao động được quy định cụ thể như thế nào và trường hợp người lao động làm thêm giờ (tăng ca) thì việc trả lương được tính như thế nào ?
Trả lời:
Vấn đề tiền lương luôn được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người lao động khi quyết định chọn một doanh nghiệp để xin việc làm. Bởi tiền lương còn là yếu tố cơ bản để quyết định thu nhập tăng hay giảm của người lao động, quyết định mức sống vật chất của người lao động. Vì vậy nếu doanh nghiệp trả lương một cách công bằng chính xác đảm bảo quyền lợi cho người lao động sẽ tạo ra sự kích thích, sự quan tâm đúng đắn của người lao động cũng như tạo sự gắn bó lâu dài của NLĐ đối với Doanh nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương sẽ bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác và Mức lương của người lao động thì sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Hiện nay thì chúng ta đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 141 ngày 07/12/2017 của Chính phủ. Theo Nguyên tắc trả lương thì Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Về Hình thức trả lương thì Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương: theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán.
Như vậy có thể thấy Luật Lao động quy định rất chặt chẽ về việc trả lương đúng hạn để đảm bảo quyền lợi cho Người lao động. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do DN làm ăn khó khăn hoặc do khách hàng chậm thanh toán nên DN chậm trễ trong việc trả lương cho NLĐ đã khiến NLĐ bức xúc, phát sinh tranh chấp lao động tập thể. Vì vậy trong những trường hợp này Doanh nghiệp cần có thông báo cụ thể cho NLĐ biết để NLĐ thông cảm, chia sẻ những khó khăn với Doanh nghiệp.
* Riêng trong trường hợp NLĐ làm thêm giờ thì theo quy định vào ngày thường ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Trường hợp Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
2) Nhân đây xin bà cho biết những thông tin liên quan đến mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng hiện nay?
Theo quy định tại Nghị định số 141 ngày 07/12/2017 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo Hợp đồng lao động, thì mức lương tối thiểu vùng bao gồm 4 mức sau:
- Mức 3.980.000 đ áp dụng đối với các DN hoạt động thuộc vùng 1
- Mức 3.530.000 đ áp dụng đối với các DN hoạt động thuộc vùng 2;
- Mức 3.090.000 đ áp dụng đối với các DN hoạt động thuộc vùng 3;
- Mức 2.760.000 đ áp dụng đối với các DN hoạt động thuộc vùng 4;
Căn cứ vào danh mục phân chia địa bàn thì theo Nghị định 141 thì Vùng 1 mà áp dụng mức 3.980.000 đ của tỉnh Bình Dương là bao gồm: thành phố Thủ Dầu Một; các thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên.
Còn 02 còn lại là huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo sẽ áp dụng MLTTV theo địa bàn thuộc vùng 2 là 3.530.000 đồng
Quý vị lưu ý thì đây là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất và trong điều kiện lao động bình thường. Trường hợp mà NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề thì sẽ áp dụng cao hơn ít nhất là 7% so với MLTTV. Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với điều kiện lao động bình thường.
Như vậy thì đây là một số quy định về tiền lương mà NLĐ cần nắm khi đi xin việc đế tránh thiệt thòi cho mình.
3) Thưa bà, việc tăng lương đối với lao động đã làm việc lâu năm trong doanh nghiệp được quy định như thế nào? Ví dụ người lao động đã làm việc trên 5 năm trong DN?
Trả lời:
Theo quy định thì các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động sẽ được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động. Và trong các nội dung quy định của Hợp đồng lao động cũng có các nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương.
Như vậy thì hàng năm căn cứ vào nhu cầu công việc cũng như tình hình sản xuất kinh doanh thì Doanh nghiệp sẽ tiến hành rà soát để thực hiện nâng bậc lương cho NLĐ đủ điều kiện. Và việc nâng bậc lương sẽ được quy định cụ thể trong Quy chế trả lương, trả thưởng của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên để người lao động gắn bó với công ty lâu dài, thông thường các doanh nghiệp sẽ thường thực hiện nâng bậc lương định kỳ 1 năm 01 lần. Bên cạnh đó cũng có Doanh nghiệp tổ chức xét nâng bậc lương sớm, trước hạn đối với các tập thể hoặc cá nhân người lao động đã có thành tích lao động sản xuất giỏi; có những sáng kiến cải tiến kĩ thuật làm lợi cho Doanh nghiệp.
4) Thưa bà, theo quy định thì doanh nghiệp phải xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động để làm cơ sở trả lương cho người lao động. Vậy việc xây dựng thang lương, bảng lương này được quy định như thế nào ? và nếu doanh nghiệp không niêm yết công khai thang, bảng lương này cho người lao động thì có đúng quy định hay không ?
Trả lời:
Hiện nay theo quy định thì trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. Và khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi Thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Như vậy thì căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, Doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương cũng như định mức lao động để áp dụng trong Doanh nghiệp mình. Và khi xây dựng thang bảng lương Doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung như:
- Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
- Mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động đã qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với điều kiện lao động bình thường.
* Nếu doanh nghiệp không niêm yết công khai thang, bảng lương, định mức lao động này cho người lao động là không đúng quy định. Và trong trường hợp này Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 95 năm 2013 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
5) Thưa bà, Điều 94 Bộ Luật Lao động quy định về hình thức trả lương, trong đó việc trả lương qua tài khoản ngân hàng của cá nhân người lao động thì phải có thỏa thuận về các loại phí duy trì tài khoản. Vậy bà thấy quy định này được thực hiện như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 94 của Bộ luật Lao động thì Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Trong thực tế hiện nay thì phần lớn các Doanh nghiệp đều thực hiện việc chi trả lương thông qua tài khoản của cá nhân người lao động. Có thể thấy việc trả lương qua thẻ cho người lao động có nhiều thuận lợi như cho Doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những Doanh nghiệp có số lao động lớn thì việc trả lương qua thẻ sẽ nhanh, gọn, thuận tiện, an toàn và dễ kiểm soát, hạn chế tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Về phía người lao động thì việc nhận lương qua tài khoản thông qua việc rút tiền từ các máy giao dịch tự động (ATM) được tiếp cận công nghệ mới văn minh, hiện đại, an toàn và chủ động hơn trong việc chi tiêu khi tiền lương được chuyển vào tài khoản, ngoài ra thì NLĐ còn có thể để lại một phần tiền lương trong thẻ coi như là phần để tích lũy khi có việc cần thiết. Bên cạnh đó, người hưởng lương còn được hưởng các dịch vụ thanh toán tiện ích khác như chuyển khoản cho người thân trong gia đình, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, dùng thẻ để mua sắm hàng hoá, dịch vụ khi các điểm chấp nhận thẻ (POS) ngày một phát triển….
Tuy nhiên thì việc nhận lương qua tài khoản ATM cũng còn nhiều bất cập cho người lao động như bị mất phí khi rút tiền hoặc truy vấn số dư; bị nuốt thẻ hoặc đến kỳ lãnh lương thường là NLĐ phải chờ đợi rất lâu do rất đông người rút; tình trạng máy hết tiền xảy ra thường xuyên, liên tục….
6) Thưa bà, hiện nay một số doanh nghiệp có quy chế nội bộ rất khắt khe với người lao động, trong đó có quy định trừ tiền lương khi người lao động vi phạm quy chế nội bộ này. Vậy bà có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật Lao động thì khi xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động bị vi phạm, thì NSDLĐ không được dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Thực tế trong một số Doanh nghiệp hiện nay vẫn còn tình trạng NSDLĐ áp dụng hình thức phạt tiền NLĐ khi NLĐ vi phạm các quy định của Công ty. Như vậy là trái các quy định của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp NLĐ vi phạm Nội quy Quy chế của Công ty thì Công ty thực hiện xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động thì có 3 hình thức xử lý là: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, Cách chức; Sa thải.
7) Theo bà việc thực hiện chế độ tiền lương hiện nay còn những điều gì bất cập mà chúng ta cần tháo gỡ ?
Trả lời:
Tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm nhất trong QHLĐ. Theo quy định thì MLTT là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Tuy nhiên với một bộ phận không nhỏ người lao động hiện nay thì tiền lương, thu nhập thực tế còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống gia đình họ, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, hầu hết NLĐ đều buộc phải tăng ca và sống tằn tiện. Theo một nghiên cứu thì cái mức lương tối hiện nay chỉ mới đáp ứng được hơn 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Trong khi đó, về phía Doanh nghiệp thì cho rằng việc điều chỉnh LTV hằng năm của Chính phủ đã khiến Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc nâng lương tối thiểu đã làm tăng thêm các khoản đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn. Toàn bộ sẽ được tính vào chi phí sản xuất, khi chi phí bị đẩy lên cao thì sản phẩm rất khó để có thể cạnh tranh được. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm những phương thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động.
Về ý kiến cá nhân tôi thì mong muốn có một MLTTV mà trung hòa được lợi ích của các bên trong QHLĐ. Bởi vì nếu nâng tiền lương tối thiểu lên quá cao sẽ vượt quá khả năng chi trả của DN, dẫn đến phải cắt giảm bớt lao động. Như vậy, vô hình trung một bộ phận người lao động có thể mất việc làm. Còn nếu không tăng MLTTV hoặc mức tăng quá thấp sẽ không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, sẽ khiến cuốc sống của NLĐ càng thêm khó khăn. Vì vậy, vấn đề là làm sao giữa hai bên NLĐ và NSDLĐ có sự sẻ chia, thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Tìm ra một mức tăng cân bằng, hợp lý, làm sao cả hai bên đều chấp nhận được.
Ghi chú: Thời lượng tọa đàm: 15p/7 câu.
Ghi hình tại Đài PT-TH BD. Lúc 15g00 ngày thứ năm (24/05/2018)
Người gửi: Đỗ Anh Tuấn – Phòng CĐ, Đài PT-TH BD. ĐT: 0903.710.316