Đây là một trong các nội dung nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 1484/KH-UBND ngày 08/4/2019 và công văn số 4651/UBND-VX ngày 13/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ "Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc" (gọi tắt là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP).
Tham gia buổi Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu là đại diện Lãnh đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các huyện, thị, thành phố và Công đoàn ngành tương đương cùng hơn 100 doanh nghiệp là đại diện Ban Giám đốc, đại diện BCH Công đoàn của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Mục đích của buổi Hội thảo nhằm để các doanh nghiệp, các đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Qua đó, có những đề xuất, những giải pháp để việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong thời gian tới được đi vào nề nếp, thực chất, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua, hăng hái tham gia lao động sản xuất, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo, từ năm 2017 đến 9 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động là trên 2.270 doanh nghiệp với hơn 4.500 cuộc đối thoại và 1.710 bản thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực. Cho thấy việc phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP trước đây cũng như Nghị định số 149/2018/NĐ-CP hiện nay đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đúng quy định và đạt nhiều kết quả tích cực. Đa số doanh nghiệp đã có trách nhiệm với người lao động, thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật Lao động, thu nhập của người lao động được tăng lên theo thâm niên làm việc. Về phía người lao động có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp, hăng hái tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều áp dụng các hình thức thực hiện dân chủ khác như: tổ chức họp giao ban từ tổ, đội đến các phòng ban hoặc họp sáng thứ hai đầu tuần để trao đổi trực tiếp các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh hoặc giải đáp các vướng mắc, quyền lợi của người lao động; cung cấp thông tin qua các Bản tin, hệ thống loa phát thanh trong doanh nghiệp; tổ chức hòm thư góp ý, phản ánh qua tổ trưởng công đoàn…Đã giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của người lao động, qua đó góp phần giảm thiểu số vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công xảy ra (So với giai đoạn trước năm 2013, tình hình tranh chấp lao động tập thể từ năm 2013 đến năm 2018 giảm đã 45%).
Tại buổi Hội thảo, bên cạnh các tham luận của các đơn vị và doanh nghiệp như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Bến Cát, Công ty TNHH Chí Hùng, Công ty TNHH Sung Shin A (Việt Nam), Công ty TNHH TMDVXDSX Triệu Phú Lộc, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam), Công ty TNHH King Jim (Việt Nam). Các đại biểu còn trao đổi nhiều nội dung phong phú để đóng góp ý kiến cho Hội thảo như: quy trình thương lượng tập thể, việc tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp, đơn vị sao cho hiệu quả, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; hay trong công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của các cấp, các ngành trong tỉnh sao cho phong phú về nội dung, hình thức tuyên truyền được đa dạng để có thể truyền tải đến doanh nghiệp và người lao động cùng tuân thủ thực hiện.
Kết luận bế mạc tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu về thực trạng triển khai, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong thời gian vừa qua cũng như những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để việc tổ chức thực hiện trong thời gian tới được đi vào nề nếp, thiết thực, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. Qua những nội dung báo cáo, chia sẻ, chúng ta có thể thấy rằng, việc thực hiện tốt các nội dung của Quy chế dân chủ, trong đó có vấn đề tổ chức đối thoại thường xuyên tại doanh nghiệp giữa người sử dụng lao động và người lao động không chỉ nâng cao tính dân chủ trong doanh nghiệp mà là cơ hội để tăng tinh thần đoàn kết, phát huy tính xây dựng của người lao động đối với doanh nghiệp. Việc chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ là một trong những giải pháp đưa doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện môi trường làm việc, giảm đi những vướng mắc trong quá trình vận hành và tất nhiên là sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo: