Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tăng cường phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công (TCLĐTT – ĐC) xảy ra. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương tuân thủ thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tổ chức và trả lương làm thêm giờ đúng theo quy định; việc giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ; xây dựng và đăng ký nội quy lao động, hệ thống thang, bảng lương; thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động - vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.... Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến không bố trí đủ việc làm cho người lao động….thì đề nghị doanh nghiệp căn cứ vào Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để thực hiện giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động đúng theo quy định của pháp luật lao động.
2. Thường xuyên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi ở và nơi làm việc, đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh. Dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện, các hội nghị, hội thảo…tập trung đông người; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo quy định trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan chức năng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Có hình thức tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của người lao động, phát huy có hiệu quả quyền dân chủ và quyền làm chủ của người lao động, góp phần tích cực vào việc đảm bảo việc làm, đời sống công nhân lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Trường hợp có xảy ra TCLĐTT – ĐC, doanh nghiệp chủ động nắm các yêu cầu của người lao động và cùng với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động xem xét các yêu cầu của người lao động. Sau đó thông báo cụ thể bằng văn bản đến người lao động và niêm yết ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp kết quả giải quyết các kiến nghị cho người lao động biết. Yêu cầu người lao động trở lại làm việc để ổn định sản xuất. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng và Công an địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia TCLĐTT – ĐC không đúng quy định, kịp thời ổn định tình hình an ninh trật tự trong doanh nghiệp và trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm theo dõi, thực hiện tốt các nội dung nêu trên và kịp thời báo cáo các trường hợp phát sinh xảy ra./.
Toàn văn Công văn: Tải về 1306-CSLD.signed.pdf