I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ II VÀ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2021
1. Tổng quan về thị trường lao động
Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với trên 2.000 doanh nghiệp, 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài; 12 cụm công nghiệp với 40.000 lao động. Hơn nữa, Bình Dương tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh và 3 tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh[1] vì thế đã trở thành nút giao thương quan trọng giữa các tỉnh ở miền Đông nam bộ. Tuy nhiên từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, những lợi thế trên mang nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp rất cao khi có rất nhiều người đi lại, giao thương hàng ngày, đặc biệt là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với sự kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong 06 tháng đầu năm 2021, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 6,73%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,1 tỷ đô la Mỹ (tăng 47,2% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại đạt 3,8 tỷ đô la Mỹ; thu mới ngân sách đạt 36.600 tỷ đồng, tăng 23%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 55.138 tỷ đồng (tăng 10,7%), Tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65% và 49.115 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 91,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng[2].
Đầu quý II/2021, thị trường lao động tại tỉnh Bình Dương vẫn trong tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp gấp rút triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyển lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhung diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt thứ 4 đã làm nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn, đồng thời gây ra tình trạng thất nghiệp dài ngày cho những lao động đã nghỉ việc khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh.
Trong quý II/2021, Trung tâm đã giao dịch với 2.284 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, trong đó có 1.633 doanh nghiệp giao dịch trực tuyến và 649 doanh nghiệp đến giao dịch trực tiếp. Nguồn cầu trong quý 2 là 23.337 lao động, trong đó nhu cầu về lao động có chuyên môn kỹ thuật là 4.271 lao động, nhu cầu lao động phổ thông là 19.066 lao động. So với quý I/2021, số lượng cầu lao động có chiều hướng giảm trong khi số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại tăng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 nguồn cầu tăng 14.874 lao động, tương ứng tỷ lệ 22,7% về nhu cầu lao động và lượng doanh nghiệp tăng 340 doanh nghiệp, tương ứng tỷ lệ 9,7%. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tích cực của thị trường lao động trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong đợt thứ 4 này.
Biểu đồ 1: Nguồn Cầu lao động 6 tháng đầu năm 2021
Đối với nguồn cung lao động, trong quý II/2021 Trung tâm đã thực hiện tư vấn cho 34.978 lượt lao động (số lượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp chiếm 54,5%), giới thiệu việc làm cho 24.852 lượt lao động và đã có 18.006 lao động có việc làm. So với quý I/2021 nguồn cung tăng gấp đôi, tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020, nguồn cung tăng không đáng kể (xấp xỉ 1%). Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường gây ra những khó khăn cho các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh nhưng không ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp.
Biểu đồ 2: Nguồn Cung lao động 6 tháng đầu năm 2021
Tại các khu công nghiệp trong tỉnh, Doanh nghiệp đã kích hoạt các giải pháp phòng chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như: yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày, bảo đảm khoảng cách,… tại nơi làm việc. Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, chưa có trường hợp doanh nghiệp cắt giảm lao động hàng loạt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và đa số lao động nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp có nguyên nhân nghỉ việc không phải do dịch bệnh. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, những lao động đang thất nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới do người lao động và cả doanh nghiệp đều lo ngạy trước sự bùng phát nhanh và mạnh của dịch Covid-19 lần thứ 4 này trên tỉnh Bình Dương.
2. Nhu cầu tuyển dụng
2.1 Tuyển dụng theo khu vực
Trong quý II/2021 các doanh nghiệp ở khu vực Thuận An, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Tân Uyên tăng mạnh về nhu cầu nguồn nhân lực, đều có trên 400 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng; khu vực Dĩ An và Bắc Tân Uyên tuy có ít doanh nghiệp tuyển dụng hơn nhưng vẫn tăng so với quý trước. Thành phố Dĩ An là địa bàn có nhiều doanh nghiệp và lợi thế về tuyển dụng do giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và gần làng đại học ở khu vực Thủ Đức; doanh nghiệp ở Bắc Tân Uyên sẽ khó tuyển lao động hơn do ở xa, vì vậy doanh nghiệp có chế độ xe đưa rước cùng với mức lương hấp dẫn sẽ có lợi thế hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp theo khu vực trên địa bàn tỉnh cũng đã phản ánh được sự thiếu hụt lao động tại các huyện,thị và thành phố của Bình Dương; trong đó Dầu Tiếng và Phú Giáo là 2 huyện có rất ít doanh nghiệp hoạt động sản xuât công nghiệp, do đó cũng có nhu cầu rất thấp về nguồn nhân lực.
Trước tình hình tuyển dụng lao động gặp khó khăn, các tỉnh lân cận mong muốn tìm kiếm cơ hội từ nguồn lao động Bình Dương nhưng điều này không dể dàng khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và sự hạn chế di chuyển giữa các tỉnh hiện nay. Mặc dù vậy, Trung tâm cũng đã tiếp nhận hơn 150 doanh nghiệp đến từ các tỉnh lân cận tính từ đầu năm 2021.
Biểu đồ 3: Nhu cầu tuyển dụng quý II/2021 theo khu vực
2.2 Tuyển dụng theo công việc/nghề nghiệp
Trong quý II/2021, nhu cầu về lao động phổ thông vẫn chiếm phần lớn trong tổng nhu cầu về nguồn nhân lực với tỷ lệ 81,70% chủ yếu phục vụ sản xuất trong các ngành chủ lực như: gỗ và các sản phẩm từ gỗ, may mặc, da giày, điện tử, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, v.v…; trong khi nhu cầu về lao động có chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm 18,30%. So với quý I/2021, tổng nguồn cầu trên thị trường lao động giảm 44,63%, nhu cầu lao động phổ thông giảm 41,44%, nhu cầu lao động có chuyên môn, kỹ thuật giảm 55,44%.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng cầu lao động trên thị trường là 65.481 người, tăng 14.874 người so với cùng kỳ năm 2020; trong đó cầu lao động có trình độ chuyên môn giảm 395 người, cầu lao động phổ thông tăng 15.269 người. Nhu cầu tăng cao tập trung ở quý 1 và thời điểm trước khi đợt dịch lần 4 xuất hiện.
Biểu đồ 4: Nhu cầu tuyển dụng chia theo Vị trí công việc ( biểu đồ tròn)
Trong quý 2, những vị trí công việc được các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên như: kho, lái xe nâng, bảo vệ, tài xế, nhân viên văn phòng, lao động có tay nghề, vận hành máy, bảo trì, QC, kế toán, kinh doanh bất động sản,… Trong đó lao động phổ thông là vị trí được nhiều doanh nghiệp đăng tuyển và tuyển với số lượng lớn vì đây là nguồn lực chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Những vị trí còn lại trên thực tế thị trường không thiếu nguồn nhân lực nhưng do tính chất công việc, môi trường làm việc và chế độ phúc lợi của từng doanh nghiệp sẽ có tác động đến việc giữ chân người lao động gắn bó lâu dài hay không.
Biểu đồ 4a: Vị trí công việc có nhu cầu tuyển dụng trung bình cao
Những vị trí công việc mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thấp, được đánh giá là việc làm bền vững nhưng yêu cầu kỹ năng cao và thái độ nhiệt tình, trách nhiệm; đồng thời không chịu nhiều áp lực về công việc nên thường sẽ kiêm nhiệm một vài công việc khác. Các vị trí có nhu cầu trung bình trong quý II/2021 như: lập trình,vận hành CNC, thu mua, hành chính nhân sự, kỹ sư xây dựng, thiết kế, xuất nhập khẩu vừa đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn vừa yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm.
Với thị trường lao động hiện nay, mỗi việc làm sẽ có mức độ phức tạp nhất định để đáp ứng yêu cầu thương mại trong nền kinh tế hội nhập quốc tế. Do đó việc đưa ra các tiêu chuẩn tuyển chọn cho từng vị trí luôn được chuẩn bị chu đáo, nhất là đối với doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên khả năng đáp ứng yêu cầu chưa như mong đợi cũng như sự thiếu hụt nhân lực buộc doanh nghiệp phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn xuống, theo đó mức tiền công cũng sẽ giảm xuống phù hợp với năng lực ứng viên.
Biểu đồ 4b: Vị trí công việc có nhu cầu tuyển dụng trung bình thấp
2.3 Tuyển dụng theo trình độ, bậc học
Mỗi việc làm có mức độ phức tạp nhất định. Một nền kinh tế lúc nào cũng bao gồm các công việc chuyên môn cao, chuyên môn tay nghề trung bình và tay nghề thấp; mỗi cấp độ tay nghề đều cần thiết và luôn tồn tại trong thị trường lao động. Với thị trường lao động hiện nay ở nước ta nói chung và tại Bình Dương nói riêng, loại việc làm yêu cầu chuyên môn tay nghề trung bình chiếm đa số và loại việc làm yêu cầu chuyên môn cao chiếm tỷ lệ khá thấp; mặt khác thị trường đang thiếu hụt lao động nhất là lao động phổ thông, vì vậy trong quý II/2021 nhu cầu tuyển lao động phổ thông là 19.066 nhưng không yêu cầu trình độ chiếm 78.10% và trình độ trung học cơ sở chiếm 12,75%. Đối với nhóm nghề kỹ thuật cũng vậy, doanh nghiệp không quá chú trọng đến yêu cầu về trình độ chỉ cần lao động có kinh nghiệm và đáp ứng được yêu cầu công việc, chỉ trừ một số vị trí bắt buộc phải có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học. Với nhóm nghề có chuyên môn, đòi hỏi phải có vốn kiến thức lớn để đảm nhiệm công việc thì thị trường yêu cầu tối thiểu phải đạt trình độ trung cấp và không giới hạn trình độ tối đa; trình độ cao, đáp ứng công việc tốt sẽ được hưởng mức lương tương xứng.
Biểu đồ 5: Nhu cầu tuyển dụng theo trình độ, bậc học
2.4 Thu nhập, phúc lợi
Theo quy luật cung – cầu trên thị trường: khi cung lớn hơn cầu thì giá cả thấp và cầu lớn hơn cung thì giá cả cao và sự chênh lệch giữa cung cầu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh. Trong thị trường lao động cũng vậy, sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và lợi thế sẽ thuộc về những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt; chế độ lương, thưởng cao; phúc lợi dành cho lao động được quan tâm đúng mực.
Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II/2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động. Trong quý 2 thu nhập bình quân tháng của lao động không thay đổi nhiều so với quý 1 năm nay. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464 nghìn đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,9%. Riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,7 triệu đồng, tăng 80 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2%, đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quân tăng so với quý trước[3].
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp luôn quan tâm và đảm bảo chế độ lương, phúc lợi cho người lao động nhằm thu hút và giữ chân lao động gắn bó lâu dài. Thời điểm cuối quý 2 khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan tại một số doanh nghiệp, để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, bảo vệ nguồn lực quan trọng của doanh nghệp và phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, một số công đoàn cơ sở đã tham mưu cho Ban giám đốc tổ chức và khuyến khích công nhân ở lại tại công ty.
3. Nhu cầu tìm việc
3.1 Nhu cầu tìm việc phân chia theo khu vực
Trong quý II/2021 tổng nguồn cung lao động là 24.852 người, tăng 13.438 người so với quý 1 và giảm 231 người so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhu cầu tìm việc là 36.266 người tăng 1.689 người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sự bùng phát nhanh, mạnh và khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý 2 năm nay. Theo đó, nhu cầu tìm việc của lao động trải đều trên khắp địa bàn tỉnh, trong đó các khu vực Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Tân Uyên có số lượng người thất nghiệp, thiếu việc làm nhiều hơn; đây cũng chính là những khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, đông dân cư và đang chịu sự ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 này. Các khu vực còn lại cũng không tránh khỏi sự tác động của dịch bệnh và có sự gia tăng số lượng người thất nghiệp so với quý 1.
Biểu đồ 6: Nhu cầu tìm việc quý II/2021 chia theo khu vực
3.2 Nhu cầu tìm việc chia theo nhóm nghề
Trong quý 2 nhu cầu tìm việc theo nhóm nghề lao động phổ thông và kỹ thuật là 21.794 người, trong đó mong muốn tìm việc liên quan đến may, thêu chiếm tỷ lệ 38,27%; kế đến là việc làm trong ngành gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ chiếm 12,70%; nhu cầu công việc về điện tử và cơ khí lần lượt chiếm 9,52% và 4,85%; nguồn cung cho các công việc khác chiếm tỷ lệ không cao.
Đây là những ngành chủ lực trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm của tỉnh. Qua đó cũng đã phản ánh được tác động của dịch bệnh đến các ngành, lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của những người lao động.
Với 3.057 nhu cầu tìm việc ở nhóm nghề văn phòng, đứng đầu nhóm là các công việc: kế toán, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, QA ngành thực phẩm, nhân viên bán hàng, quản lý sản xuất; trong đó nhu cầu tìm việc kế toán chiếm tỷ lệ cao nhất 2,69%. Tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát không những gây khó khăn cho lao động trong việc tìm việc làm mới mà còn có nguy cơ làm gia tăng thêm số lượng người thất nghiệp, làm giảm sâu thu nhập của lao động và tạo áp lực lớn trong giải quyết chế độ an sinh xã hội.
Biểu đồ 7a: Nhóm nghề LĐPT và kỹ thuật có nhu cầu tìm việc trung bình cao
Biểu đồ 7b: Nhóm nghề LĐPT và kỹ thuật có nhu cầu tìm việc trung bình thấp
Biểu đồ 7c: Nhu cầu tìm việc chia theo nhóm nghề văn phòng
4. Liên kết lao động
6 tháng đầu năm thông qua chương trình liên kết lao động, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 650 lao động đến từ các tỉnh Hà Giang và Kon Tum. Riêng quý 2, đã có 350 lao động đến Bình Dương làm việc; tuy nhiên từ khi đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện đã gây khó khăn trong việc di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, làm gián đoạn nguồn dịch chuyển lao động từ các tỉnh về Bình Dương. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương tạm ngưng liên kết lao động và sẽ tiếp tục hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
5. Tình hình lao động thất nghiệp
Số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong quý II/2021 là 28.364 người tăng 15.938 người, tương ứng tăng 128,2% so với quý 1 và giảm 11.266 người, tương ứng giảm 28,43% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng lao động thất nghiệp có sự gia tăng do đây là thời điểm lao động chuyển đổi công việc nhưng gặp phải tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp tạm thời giảm số lượng tuyển dụng, lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của lao động trong quý II/2021 chủ yếu do hết hạn hợp đồng lao động chiếm 88,58%; tỷ lệ chấm dứt hợp đồng lao động do đơn phương chỉ chiếm 6,50%; tỷ lệ người lao động bị xử lý kỷ luật hoặc sa thải chiếm 0,78%; chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn chiếm 0,57%; do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 0,18%; tỷ lệ còn lại là do nguyên nhân khác.
Song song với việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm vẫn đẩy mạnh kết nối việc làm, khuyến khích lựa chọn cơ hội học nghề để cải thiện nghề nghiệp trong tương lai. Số lượng lao động hưởng TCTN được giới thiệu việc làm trong trong quý 2 là 17.667 người, lũy kế 6 tháng đầu năm là 25.394 người. Tuy nhiên số lượng lao động được giao kết hợp đồng lao động và có phản hồi chỉ đạt 1.026 người, tương ứng tỷ lệ 5,81% trong quý 2; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.691 người, tương ứng tỷ lệ 6,66%. Qua đó đã phản ánh được phần nào tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức hiện nay, đồng nghĩa với việc lực lượng lao động này không được hưởng phúc lợi xã hội trong hệ thống an sinh xã hội.
II. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là nguy cơ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bình Dương nói riêng. Sự tái diễn của dịch bệnh luôn có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm trạng bất an cho người dân. Chính vì vậy, trong 6 tháng cuối năm thị trường lao động cũng không tránh khỏi nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bình Dương sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy thật tốt những điểm sáng trong thực hiện "mục tiêu kép" ở 6 tháng đầu năm; với sự định hướng "Bình Dương mạnh dạn tái cơ cấu nền kinh tế theo đổi mới công nghệ; tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao quản lý". Trong 6 tháng tới, thị trường lao động Bình Dương vẫn theo xu hướng cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt nhu cầu có thể lên đến 60.000 lao động do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử,…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang có những tác động tiêu cực đến lĩnh vực lao động, việc làm trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bình Dương nói riêng; làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cho lao động. Chính vì vậy khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, dự báo sẽ có khoảng 40.000 đến 50.000 lao động sẵn sàng tham gia vào thị trường nguồn cung trong 6 tháng cuối năm 2021./.
TRUNG TÂM DVVL TỈNH BÌNH DƯƠNG
[1] Nguồn: Trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương
[2] Nguồn: Trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương
[3] Nguồn: Tổng cục thống kê