Kính gửi: Các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 về việc ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 4150/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Công văn số 4547/UBND-VX ngày 09/9/2021 về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và Công văn số 4656/UBND-VX ngày 15/9/2021 về việc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhằm thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất kinh doanh gắn với việc ổn định, thu hút lực lượng lao động gắn bó với doanh nghiệp, các yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới cũng như đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2021, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công (TCLĐTT – ĐC) xảy ra. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn", thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", "01 Cung đường, 02 Điểm đến", mô hình 03 Xanh "Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và Công nhân xanh" nhằm thúc đẩy và đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động về các nội dung như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tổ chức và trả lương làm thêm giờ đúng theo quy định; việc giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ…đặc biệt là đảm bảo các quy định về trả lương trong thời gian ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động, Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 17/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và Công văn số 4180/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 15/7/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Duy trì các hình thức thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ cho phù hợp với các yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Người sử dụng lao động chủ động phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, có các biện pháp quan tâm, hỗ trợ và chăm lo đời sống cho người lao động. Đồng thời, bên cạnh việc giữ chân số lao động đang ở lại doanh nghiệp làm việc yên tâm ổn định sản xuất. Người sử dụng lao động cần có các chính sách nhằm thu hút số lao động đã trở về quê trong thời gian vừa qua quay trở lại làm việc, góp phần tích cực vào việc đảm bảo việc làm, đời sống công nhân lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
3. Tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người lao động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi ở, cộng đồng, trên đường đến nơi làm việc, nơi làm việc; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là các quy định về phòng, chống dịch trong thời gian tới. Thực hiện nghiêm yêu cầu từ "Thông điệp 5K": Khẩu trang – Khử khuẩn - Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế; khuyến cáo người lao động hạn chế tới những nơi công cộng, tập trung đông người; sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; khi có biểu hiện ho, sốt liên hệ ngay với nhân viên, cơ sở y tế gần nhất; các trường hợp trở về từ vùng dịch thì phải chấp hành các biện pháp cách ly, theo dõi sức khoẻ và tiến hành xét nghiệm theo quy định.
Phát huy mạnh mẽ phương châm 4 tại chỗ; bình tĩnh chủ động ứng phó mọi tình huống; Đảm bảo các trang thiết bị phục vụ việc phòng, chống dịch Covid-19: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng tại doanh nghiệp… Kịp thời phát hiện các trường hợp người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc covid-19 khi trở lại làm việc; báo cáo ngay với cơ quan Y tế địa phương và thực hiện xử lý theo hướng dẫn của ngành Y tế.
4. Trường hợp doanh nghiệp có xảy ra TCLĐTT – ĐC, đề nghị chủ động phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động để nắm và xem xét các yêu cầu của người lao động. Khi quyết định các chế độ chính sách mới có liên quan đến lợi ích của tập thể người lao động, doanh nghiệp cần thông tin, trao đổi với các ngành chức năng tại địa phương trước khi áp dụng. Sau đó thông báo cụ thể bằng văn bản đến người lao động và niêm yết ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp kết quả giải quyết các kiến nghị cho người lao động biết. Yêu cầu người lao động trở lại làm việc để ổn định sản xuất. Chủ động phối hợp với Tổ công tác liên ngành giải quyết TCLĐTT – ĐC và Công an địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia TCLĐTT – ĐC không đúng quy định, kịp thời ổn định tình hình an ninh trật tự trong doanh nghiệp và trên địa bàn.
5. Về tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh sau khi hoạt động trở lại:
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đề nghị liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương (Số 369 Đại lộ Bình Dương, Hòa Lân, Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương) để cung cấp thông tin tuyển dụng qua địa chỉ: trang website: vieclambinhduong.gov.vn; Nhóm Zalo: Tuyển dụng và tập huấn; Điện thoại liên hệ: 02743.822870.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh quan tâm theo dõi, thực hiện tốt các nội dung nêu trên và kịp thời báo cáo các trường hợp phát sinh xảy ra./.
Tải toàn văn Công văn tại đây: Tải về 5153-CSLD.signed.pdf