Năm 1913, trường mở lớp dạy đồ gỗ, điêu khắc, sơn mài ở Thủ Dầu Một, đây chính là một trường có ban dạy sơn mài đầu tiên ở Việt Nam. Giai đoạn 1914-1932, trường dời về địa điểm đối diện nhà việc Phú Cường, trước chợ Thủ Dầu Một. Đầu năm 1932 trường đổi tên là trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (École d'art appliqué de Thu Dau Mot), sau đó dời về đường Bạch Đằng cạnh bờ sông Sài Gòn cho đến nay. Truờng dạy tổng hợp tất cả nghệ thuật trang trí nội thất bao gồm bốn nghề, mỗi nghề tương ứng với một ban: Ban tế mộc công (nghề làm mộc, đóng tủ bàn ghế), Ban điêu khắc (chạm khắc gỗ, khảm và đá cẩm thạch), Ban sơn mài, Ban vẽ kiểu mộc và trang trí.
Nhắc đến Bình Dương, nhiều người biết đến những ngành nghề truyền thống gắn với sự phát triển của tỉnh là gốm sứ, sơn mài, chạm khắc gỗ, điêu khắc... Chính sự ra đời và hoạt động của trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một, nay là trường TCMT-VH Bình Dương từ rất lâu đời đã góp phần gìn giữ những ngành nghề truyền thống của một tỉnh ở vùng Đông Nam bộ.
Theo sự thay đổi của xã hội, có những giai đoạn trường mở thêm các ngành nghề khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, trường đã qua nhiều lần đổi tên và đào tạo các chuyên ngành như thiết kế gỗ, trang trí nội thất, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí, đồ họa công thương nghiệp. Từ năm 2004, trường mở thêm ngành thiết kế thời trang.
Từ khi thành lập đến năm 1932, trường đã đào tạo được gần 400 người, đây là lớp nghệ nhân đầu tiên trên đất Thủ có tay nghề giỏi, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, đa số trở thành nghệ sĩ, nhà giáo, nghệ nhân nổi tiếng. Giai đoạn từ năm 1932-1945, nhà trường đào tạo được 488 học sinh. Hầu hết giáo viên và quản lý người Pháp trước kia được thay thế bằng người Việt Nam, được đào tạo từ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và các học sinh tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường làm giảng viên.
Trường đã đào tạo nhiều nghệ nhân, họa sĩ, nhà kinh doanh mỹ nghệ, họ đã thành lập nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương và khu vực, đã tác động việc chuyển hóa công tác đào tạo dạy nghề đến việc cung cấp nguồn nhân lực nghệ nhân giỏi phục vụ nhu cầu lao động vừa có tay nghề cao, vừa có tư duy thẩm mỹ, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng.
Hiện nay, trường có tổng số 66 viên chức, người lao động với 8 hệ đào tạo trung cấp gồm: Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế đồ gỗ, Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Hướng dẫn du lịch, Sơn mài, Thanh nhạc.
Ngoài ra, trường còn có nhiều hệ đào tạo sơ cấp như: Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật viên đồ họa ứng dụng, Autocad ứng dụng trong ngành đồ gỗ, Chế biến gỗ, May gia dụng, Vẽ thời trang, Chép tranh, Chạm khắc gỗ, Đúc đồng, Organ, Biểu diễn Sáo trúc, Đờn ca tài tử và Cải lương ...
Ông Lê Minh Quốc Cường - GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, ngày 7/7/2006, trường được công nhận là di tích cấp tỉnh. Do trường đào tạo những ngành nghề đặc thù có tính mỹ thuật nên tháng 10 năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định đổi tên trường thành Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Tháng 8/2012, UBND tỉnh Bình Dương hợp nhất hai trường Trung cấp Mỹ thuật và trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch thành trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Tháng 3 năm 2017, trường được chuyển từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2012 và nhiều cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương.
Ngày 26/11 tới đây, lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương sẽ chính thức diễn ra. Toàn bộ không gian trường sẽ có nhiều hoạt động bên lề như: Triển lãm mỹ thuật (40 bức tranh, 40 tượng điêu khắc, 6 phù điêu, 40 tranh thiếu nhi); Hội thảo khoa học với chủ đề “Mỹ thuật Đông Nam bộ - phát triển và hội nhập” và họp mặt cựu giáo viên, học sinh.