GRDP tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đến nay, hầu hết các hoạt động được khôi phục theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021 đạt một số kết quả khả quan, đáng khích lệ trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, toàn tỉnh có 21/32 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt hơn 408.800 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tích cực nhất trong tứ giác kinh tế phía Nam ( gồm các tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu); GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 152,2 triệu đồng. Công nghiệp- dịch vụ tiếp tục là các ngành chủ đạo, chiếm 89,23% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp chiếm 3,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,67%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là ngành đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,1%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 7 tỷ đô la Mỹ. T
ỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 53% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư nước ngoài duy trì kết quả tích cực, tiếp tục thu hút hơn 743 triệu đô la Mỹ, góp phần vào kết quả thu hút gần 2,7 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021, vượt 48% so với kế hoạch. Lũy kế đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 4.026 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 37,74 tỷ đô la Mỹ (đứng thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh).
Cơ bản kiểm soát được dịch
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết đến nay tỉnh đã cơ bản kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Đây là thắng lợi nhất trong những ngày đầu năm 2022. Hiện toàn tỉnh có 5 huyện, thị vùng xanh, 4 huyện, thị vùng vàng. Số ca bệnh đã giảm rất nhanh trong thời gian gần đây sau khi tỉnh đẩy mạnh tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19.
Ông Nguyễn Lộc Hà cho rằng cách đây 6 tháng, Bình Dương là tâm điểm của dịch COVID-19. Lúc đó, cả nước đã dồn lực, hàng trăm đoàn chi viện từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố đều tập trung hỗ trợ cho Bình Dương.
Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Bình Dương đã giải quyết tốt mọi vấn đề, nhằm kiểm soát dịch COVID-19, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường” - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết.
Thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế, các địa phương đang khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine xin (mũi 1, mũi 2), tiêm mũi 3 theo quy định và hoàn thành trong tháng 01/2022; đồng thời bố trí các điểm tiêm hàng ngày tại các Trạm y tế cấp xã, Trung tâm y tế cấp huyện và thành lập các Tổ tiêm vaccine "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị để thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo các phương thức và thời gian phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
Chăm lo tốt cho các đối tượng dịp Tết Nguyên đán
Thông tin với báo chí về tình hình chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tổng dự toán kinh phí tạm tính chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 là 229 tỷ 265 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2021.
Theo bà Hằng, việc chăm lo cho các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán là việc làm thường xuyên và được duy trì hàng năm. Tùy theo tình hình kinh tế - xã hội và nguồn ngân sách, hàng năm tỉnh quyết định nâng mức chi cũng như mở rộng các đối tượng thụ hưởng.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như tất cả các mặt đời sống xã hội nhưng tỉnh vẫn duy trì thực hiện việc chăm lo Tết cho các đối tượng từ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng, công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện về quê ăn Tết, công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh, thu gom rác trong các ngày nghỉ tết, bệnh nhân nghèo nội trú đến cán bộ khu, ấp,… với mục đích "không để ai bị bỏ lại phía sau, để mọi người, mọi nhà đều có Tết".
Về đối tượng và mức chi cơ bản giữ nguyên như Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Riêng đối với người phục vụ trong các khu điều trị Covid-19 tập trung (FO) và khu cách ly tập trung Covid-19 (F1) tăng so với năm 2021 (tăng từ 1.000.000 đồng/người lên mức chi 2.000.000 đồng/người).
Bà Hằng cũng thông tin thêm về tình hình thưởng Tết của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp của Sở, hiện tại đã có 1.727 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, mặc dù các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn nỗ lực, cố gắng thưởng Tết cho người lao động với mức thưởng bằng năm 2021. Một số doanh nghiệp ngoài việc thưởng tiền còn có quà cho người lao động.