Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì điều hành Hội thảo
Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp so với yêu cầu thực tiễn thị trường trên địa bàn tỉnh qua đó đẩy mạnh việc hợp tác 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp về năng lực của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội, các giải pháp hiệu quả nhất gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia phối hợp với các cơ sở GDNN đào tạo tại doanh nghiệp. Đồng thời đề ra các giải pháp đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động giúp giảm thiểu chi phí đào tạo và tuyển dụng. Hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt là chỉ số đào tạo lao động của tỉnh.
Các đại biểu là đại diện các Sở ngành, các cơ sở GDNN và Doanh nghiệp tham dự Hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, đại diện các hiệp hội ngành nghề, các lãnh đạo các trường Cao đẳng, Trung cấp, các Trung tâm GDNN và đại diện các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cùng tham dự đông đủ.
Ông Thân Tiến Toàn – Giám đốc nhân sự Công ty Camso Việt Nam trình bày tham luận về mô hình liên kết hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Bình Dương và định hướng trong thời gian tới. Cùng với đó, các đại biểu nghe tham luận đến từ các trường xoay quanh nội dung: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp; đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị; chia sẻ chương trình hợp tác đào tạo giữa Công ty Camso và trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore…
Bà Trịnh Thị Hồng Châu – Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương tham gia thảo luận tại Hội thảo.
Trước khi kết thúc Hội thảo, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH ghi nhận những ý kiến phát biểu và các đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự và cho biết trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Sở Công thương tiếp tục làm đầu mối kết nối giữa Doanh nghiệp và các cơ sở GDNN đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo và giải quyết việc làm; nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp đạt hiệu quả cao; bên cạnh đó, các Trường phải chủ động tìm Doanh nghiệp để hợp tác, gắn kết quá trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, quan tâm hơn về trang bị kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ cho người học. Ngoài ra, các Trường phải xác định ngành nghề mũi nhọn, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh./.
Tính đến ngày 30/11/2023, Bình Dương có 86 cơ sở GDNN, trong đó 06 trường cao đẳng, 01 phân hiệu cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp/trung cấp nghề, 18 trung tâm GDNN, 51 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh tuyển sinh được 31.280 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 1.973 sinh viên, trung cấp 5.397 học sinh (đạt tỷ lệ 126% so với cùng kỳ năm 2022); số người học tốt nghiệp được 26.789 người (cao đẳng: 1.347 sinh viên, trung cấp: 2.601 học sinh).
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PHÒNG GDNN