Đến dự buổi Bế giảng có ông Võ Đông Duy – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Ông Vương Tấn Phương – Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện, ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương, đại diện lãnh đạo địa phương và các học viên lớp học Lái xe nâng hàng.
Các đại biểu tham dự Lễ Bế giảng khóa đào tạo nghề Lái xe nâng hàng tại huyện Bàu Bàng
Năm 2023, theo ủy quyền của UBND huyện Bàu Bàng, Phòng LĐ-TBXH huyện đã hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước với Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương để thực hiện đào tạo nghề Lái xe nâng hàng – Trình độ sơ cấp cho 228 học viên (10 lớp) thuộc đối tượng là người lao động nông thôn tại thị trấn Lai Uyên và các xã Long Nguyên, Hưng Hòa, Lai Hưng, Cây Trường II và xã Tân Hưng.
Ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương trao chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên
Các địa phương đã tích cực phối hợp với cơ sở đào tạo nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hội trường, sân bãi tập thực hành để đáp ứng các điều kiện đảm bảo tổ chức đào tạo nghề Lái xe nâng hàng cho người lao động tại địa phương. Kết quả có 145 học viên đã hoàn thành chương trình và được cấp Chứng chỉ sơ cấp.
Võ Đông Duy - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) phát biểu tại Lễ Bế Giảng khóa đào tạo nghề
Phát biểu tại buổi Bế giảng, ông Võ Đông Duy - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) đánh giá cao nỗ lực trong công tác thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của huyện Bàu Bàng, bên cạnh đó đề nghị: "Trong thời gian tới, Phòng LĐ-TBXH cần phối hợp với UBND cấp xã xác định nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề sát với thực tế đảm bảo phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương."
Thực tế, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với hình thức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo Quyết định số 1473/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai thủ tục đặt hàng với các cơ sở đào tạo.
Các học viên được nhận Chứng chỉ Sơ cấp sau khi hoàn thành khóa học Lái xe nâng hàng
Hiện nay, ngoài việc khó khăn do kinh phí hỗ trợ đào tạo thấp (theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành từ năm 2015) chưa thu hút được các cơ sở GDNN tham gia nhận đặt hàng đào tạo thì vẫn tồn tại một bộ phận người lao động vẫn chưa mặn mà trong việc tham gia học nghề để chuyển đổi việc làm nên việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vận động người lao động tham gia học nghề tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Tính đến 31/11/2023, toàn tỉnh đã tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo nghề 29 lớp với tổng số 689 người tham gia học các nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp (gồm: 12 lớp Lái xe nâng hàng, 06 lớp nghề Trang điểm, 05 lớp nghề Pha chế, 04 lớp nghề Nấu ăn đãi tiệc, 01 lớp nghề Tin học văn phòng và 01 lớp nghề May gia dụng). Sau khi học nghề, người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PHÒNG GDNN