Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Đến khi có Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới chính thức được Chính phủ giao là cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, cơ bản các văn bản dưới luật đã được hình thành, hoàn thiện và được triển khai; nhìn chung, cơ bản công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp đã dần ổn định, đi vào nề nếp. Đối với tỉnh Bình Dương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị bàn giao, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kể từ ngày 01/03/2017, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong công tác đào tạo, ngày 07/4/2017, tại Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương (Địa chỉ: Đường N2, Cụm sản xuất An Thạnh, Thành Hòa B, phường An Thạnh, thị xã Thuận An), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2017. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở phụ trách khối - chủ trì, đồng chí Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề cùng đại diện lãnh đạo 07 trường cao đẳng/ cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp/ trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hội nghị được nghe Phòng Dạy nghề trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2016; đồng thời triển khai nhiệm vụ cần thực hiện năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 07 trường cao đẳng/ cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp/ trung cấp nghề, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 35 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 34.123 người; số người tốt nghiệp là 22.621 người.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: công tác tuyển sinh học nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn; Hoạt động quảng bá, tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền, vận động phụ huynh, xây dựng thương hiệu đào tạo của nhà trường còn hạn chế; Công tác phối hợp, triển khai thực hiện phân luồng cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn chưa được chú trọng đúng mức nên hiệu quả chưa cao.
Các nguyên nhân được Hội nghị phân tích cụ thể, kỹ lưỡng, như: Công tác tuyển sinh học nghề chưa hiệu quả vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của người học, song song đó là chất lượng đào tạo chưa cao nên chưa thu hút được người học; Chưa có chính sách ưu đãi phù hợp cho các giáo viên dạy nghề, đặc biệt là các giáo viên dạy thực hành nên khó thu hút được các giáo viên giỏi về giảng dạy; Việc tạo điều kiện cho các giáo viên học tập, rèn luyện kỹ năng chưa được quan tâm dẫn đến chậm tiếp cận các kỹ năng, công nghệ mới mà doanh nghiệp đang cần ở người học nghề sau khi ra trường; Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thụ động, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị đã được nhà nước đầu tư, một số khác còn chậm triển khai trong lập dự án kế hoạch mua sắm trang thiết bị theo quy định làm cho hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề không cao; Trình độ học sinh đầu vào của các trường nghề còn yếu và nhiều hạn chế, đặc biệt là trình độ trung cấp tuyển sinh trình độ trung học cơ sở, việc tiếp thu kiến thức kỹ thuật gặp nhiều khó khăn; Hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, chưa bền vững, chỉ mang tính hỗ trợ từ một phía của doanh nghiệp cho nhà trường để đáp ứng nhu cầu về tham quan, kiến tập, thực tập của sinh viên.
Từ đó, nhiều giải pháp cụ thể, căng cơ đã được Hội nghị thảo luận, để xuất rất sát thực như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, tổ chức thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể thông báo sâu rộng cho người dân am hiểu về nghề nghiệp, các cơ giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dạy nghề; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tổ chức phân luồng cho học sinh THCS, THPT đi học nghề phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình và cần có một quá trình triển khai ở các Trường THCS để học sinh hình thành được nhận thức về ý nghĩa của công tác phân luồng; Xây dựng chính sách khuyến khích học sinh có hộ khẩu Bình Dương đi học nghề; Tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề các cấp nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, quản lý dạy nghề tương ứng với các nghề được đầu tư trọng điểm; Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp, trành đầu tư dàn trãi, không hiệu quả; Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề, khuyến khích việc mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo chỉ tiêu của tỉnh, năm 2017, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 24% (Dự kiến năm 2017, tuyển sinh 42.217 học sinh, sinh viên; Đào tạo cho 1.380 học viên; trong đó phi nông nghiệp: 880 người, nông nghiệp: 500 người); đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ đạt 30%; bên cạnh đó hình thành từ 02 -03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao của tỉnh và tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh, Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh. Sau khi nghe ý kiến các đơn vị, giải đáp thắc mắc của Phòng Dạy nghề, đồng chí Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở phụ trách khối đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu trong Hội nghị, đồng thời có một số ý kiến chỉ đạo cụ thể như sau:
Quá trình chuyển tiếp sau khi hợp nhất: quan điểm của Sở luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động tốt nhất, tiếp tục kế thừa những công việc đã thực hiện từ trước đến nay và đảm bảo đúng theo qui định.
Công tác tuyển sinh: cần nhận định rõ ý thức trách nhiệm của từng đơn vị; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần năng động, sáng tạo và tích cực hơn nữa để tuyển sinh đạt kế hoạch đào tạo của năm.
Riêng đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: sẽ nhanh chóng ổn định quản lý hoạt động các trường chuyên nghiệp mới tiếp nhận; phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương thực hiện các phóng sự phát trên chuyên mục Dạy nghề - Việc làm; ký kết với Báo Bình Dương thực hiện việc đăng thông tin tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo xây dựng Đề án phân luồng học sinh THCS vào học hệ trung cấp tại các trường.
Đối với các kiến nghị của các đơn vị vượt thẩm quyền của Sở, Sở sẽ kiến nghị về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các ngành có liên quan nghiên cứu tháo gỡ kịp thời, cụ thể: Chương trình đào tạo chuyển đổi theo qui định mới; Xây dựng Trung tâm sát hạch kỹ năng nghề tại Bình Dương; thành lập Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trong các trường,…
Thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh vô cùng nặng nề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mong nhận được sự hỗ trợ, chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh./.