Ngày 03-04/5/2017, Ban giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã thăm và làm việc tại 03 trường trung cấp mới tiếp nhận từ Sở Giáo dục và Đào tạo (Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa, Trung cấp Kinh tế, Trung cấp Nông lâm nghiệp). Cùng đi có đại diện các phòng chuyên môn, gồm: Phòng Dạy nghề, Phòng Kế hoạch – Tài chính và Văn phòng Sở. Về phía các trường có đại diện cấp ủy, Ban Giám hiệu và Trưởng (hoặc phụ trách) các Phòng, Khoa thuộc.
Hình 01. Ban giám đốc Sở chụp hinh lưu niệm cùng tập thể CB-GV-CNV
trường TC Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương
Tại buổi làm việc, các trường đã báo cáo các công việc chuyên môn tại trường và nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh; đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian tới. Nhìn chung, các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề trọng tâm, như: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho giáo viên; hướng dẫn cụ thể về chính sách miễn giảm học phí; học bổ túc văn hóa phổ thông tại trường,…
Hình 02. Giám đốc Sở Hồ Quang Điệp làm việc với trường TC Kinh tế Bình Dương
Qua nghe ý kiến, nguyện vọng của các trường, giải đáp thắc mắc của các phòng chuyên môn, Giám đốc Sở Hồ Quang Điệp đã chỉ đạo, định hướng hoạt động trong thời gian tới của các trường, cụ thể:
- Ban giám hiệu các trường cần nhanh chóng ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, người lao động tại trường; duy trì hoạt động thường xuyên tại đơn vị; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm học 2017-2018.
- Tăng cường công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người học; đảm bảo học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, thu nhập ổn định.
- Các trường cần tăng cường hợp tác quốc tế, mối quan hệ với doanh nghiệp, các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật hướng nghiệp; địa phương,… để hoạt động tốt hơn.
- Nghiên cứu việc sản xuất trong nhà trường nhằm giúp cho CB-GV-CNV có thêm nguồn thu nhập và học sinh có cơ hội thực hành nghề nghiệp tại trường.
- Xây dựng lộ trình tự chủ đến năm 2020.
- Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cấp thành trường cao đẳng trong thời gian tới.
Thời gian tới, theo chỉ tiêu của tỉnh, năm 2017, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 24% (Dự kiến năm 2017, tuyển sinh 42.217 học sinh, sinh viên; Đào tạo cho 1.380 học viên; trong đó phi nông nghiệp: 880 người, nông nghiệp: 500 người); đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ đạt 30%; bên cạnh đó hình thành từ 02 -03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao của tỉnh và tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh, Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh. Thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh vô cùng nặng nề, các trường mới tiếp nhận về Sở cần hoạt động tích cực hơn nữa để hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh./.
Thanh Hà – PTP Dạy nghề, Sở LĐTBXH