Ngày 11/5/2018, tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương (529 Lê Hồng Phong, Phường Phú Hòa, Tp. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban khối giáo dục nghề nghiệp và Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp năm 2018.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở phát biểu tại buổi Hội thảo
Đến dự, chỉ đạo Hội nghị và điều hành Hội thảo có ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH và bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND, Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố; các Hiệp hội nghề nghiệp, một số doanh nghiệp đại diện trên các lĩnh vực cùng đại diện lãnh đạo 81 cơ sở đến từ các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phần giao ban, Phòng Dạy nghề đã triển khai kế hoạch công tác đào tạo nghề năm 2018. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2018 35.000 học viên (trong đó, cao đẳng: 2.000 sinh viên; trung cấp: 3.000 học sinh; sơ cấp và dưới 3 tháng: 30.000 học viên); tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số lượng 1.547 học viên (phi nông nghiệp: 970 người, nhóm nghề nông nghiệp: 577 người); phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa, nâng tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 80 cơ sở; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động không hiệu quả; Tổ chức Đoàn giáo viên, học sinh của tỉnh tham dự Kỳ thi tay nghề quốc gia; đoàn giáo viên của tỉnh tham dự Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018; Tổ chức các Hội nghị tập huấn, triển khai về Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản dưới luật; Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phần Hội thảo, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động được coi là giải pháp đột phá trong tình hình mới.
Thời gian vừa qua, các cơ sở GDNN đã có nhiều nội dung, hình thức phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo như: hỗ trợ học bổng của doanh nghiệp cho học sinh sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo; cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp; doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở GDNN; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; .v.v… Ngoài ra còn thực hiện các có cam kết về việc làm với thu nhập tốt cho người học, cam kết hoàn trả học phí cho người học nếu không có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Song, bên cạnh những mặt làm được, công tác gắn kết này vẫn còn nhiều tồn tại cụ thể, như :
- Đối với nhà nước : Các cơ chế, chính sách đang được xây dựng dần hoàn thiện tuy nhiên chưa đủ; công tác chỉ đạo, hướng dẫn một số nhiệm vụ với phát sinh chưa kịp thời; khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp tại Luật Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp; mã số ngạch bậc trả lương của người lao động theo khung 8 bậc hiện nay vẫn chưa thực hiện; việc quy định danh mục ngành nghề hành nghề bắt buộc qua đào tạo chưa được qui định cụ thể; việc tổ chức sát hạch kỹ năng nghề chưa được áp dụng rộng rãi, chỉ thực hiện được một số nghề phổ thông …
- Đối với doanh nghiệp : Số lượng và chất lượng gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN còn hạn chế, nguyên nhân do một số doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách, những lợi ích khi tham gia đào tạo nghề và chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở GDNN, thụ động trong thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp.
- Đối với cơ sở GDNN : Công tác phối hợp với doanh nghiệp để tổ các đợt cử nhà giáo đi thực tập cập nhật những tiến bộ khoa học, vận hành thành thạo máy móc và các trang thiết bị mà doanh nghiệp đang vận hành chưa được thực hiện; hoạt động bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp phối hợp thực hiện chưa được thường xuyên; xây dựng chương trình đào tạo sát với yêu cầu công việc thực tế tại doanh nghiệp (giảm gời học tập tại trường, tăng cường thực tập sản xuất) chưa được nhà trường chú trọng thực hiện, triển khai.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm quá trình triển khai các năm trước, Hội thảo đã thảo luận đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:
- Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với Báo, Đài, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, học nghề và giải quyết việc làm trong giai đoạn hiện nay, góp phần dần thay đổi tâm lý sính bằng cấp đại học của một bộ phận người dân.
- Tiếp tục phối hợp với các Sở ngành, Hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội.
- Triển khai tốt các nội dung hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, cụ thể: phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp; hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp; phối hợp hướng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Một số hình ảnh hoạt động tại buổi Hội thảo:
Thầy Trần Văn Đáng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương phát biểu tại Hội thảo
Đại diện một số doanh nghiệp phát biểu ý kiến trong Hội thảo
Thầy Trần Thanh Vũ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác với doanh nghiệp