Nội dung công văn 1125/SLĐTBXH-DN Về việc cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp (doanh nghiệp tự đào tạo hoặc doanh nghiệp gửi lao động đi đào tạo):
-
Trường hợp tự đào tạo không cần phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp:
Theo qui định Chương IV của Bộ Luật Lao động: “Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí. Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản”. Để đảm bảo quyền lợi cho người học nghề, tập nghề, doanh nghiệp sẽ tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo nghề giữa doanh nghiệp và người học, trong đó thể hiện rõ các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.”
Đồng thời, trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề,
tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, doanh nghiệp nên nghiên cứu trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
-
Trường hợp tự đào tạo phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
Theo qui định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (Điều 33) thì thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải đảm bảo thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ đối với người học có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người học, công tác đào tạo có chất lượng, sau các khóa học được cấp chứng chỉ
sơ cấp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu đủ các điều kiện theo qui định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP.
-
Trường hợp doanh nghiệp gửi lao động đi đào tạo:
- Người có hộ khẩu ở Bình Dương thì được hưởng các chính sách:
Dạy nghề cho lao động theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của
Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất;
- Người lao động không có hộ khẩu ở Bình Dương: Vận dụng kinh phí công đoàn của công ty để đào tạo theo hướng dẫn tại Thông tư 68/2016/TT-BTC ngày 05/05/2016 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020.
-
Các văn bản có liên quan:
Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ Quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2020.
-
Trình tự, thủ tục, cơ quan đầu mối để thực hiện hỗ trợ các chính sách khi doanh nghiệp tiếp cận: Liên hệ trực tiếp Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương (Tầng 6A, Trung tâm hành chính tỉnh; Điện thoại: 02743823173; Trưởng phòng: Võ Đông Duy – ĐT: 0974191497).
Tải Công văn tại đây: Tải về CongVan.pdf