Ngày 31/5/ 2017, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG), giai đoạn 2007-2017. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Ông Đặng Minh Hưng – Tỉnh ủy viên - Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bình Dương, Ông Hồ Quang Điệp – Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bình Dương và các sở ban ngành đoàn thề và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, phòng Lao động – TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt có mặt của 62 tập thể cá nhân, đạt thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới giai đoạn 2007 – 2017.
Tiếp tục thực hiện tốt Luật BĐG, Ông Đặng Minh Hưng - Tỉnh ủy viên - Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bình Dương phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới giai đoạn 2007 – 2017, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tích cực tham mưu UBND cùng cấp ban hành các kế hoạch, chương trình, giải pháp theo từng giai đoạn;
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minhvề “nam, nữ bình quyền” và cụ thể hóa nguyên tắc Hiến định về quyền bình đẳng nam, nữ, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Đến nay, vừa tròn 10 năm Luật Bình đẳng giới được triển khai thực hiện. Trong 10 năm qua, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp.Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cách mạng khoa học công nghệ đang từng ngày, từng giờ tác động lên đời sống người dân. Trong lĩnh vực chính trị đã trải qua Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Trung ương Đảng khóa XI, XII; bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, đến nay các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được đảm bảo, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể được tiến hành, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng được phát huy, nhờ đó đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần từng bước xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội ngang nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, 2016 – 2020 phù hợp với mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; bố trí nhân sự từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các khu, ấp trong toàn tỉnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên bình đẳng giới; tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các sở, ngành, địa phương; đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới và các văn bản liên quan đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cộng đồng dân cư nhằm đưa các quy định của Luật Bình đẳng giới vào thực thi trong cuộc sống.
Kết quả tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước; hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 45.000 đến 49.000 lao động, trong đó nữ chiếm khoảng 62%; tỷ lệ học sinh nữ tốt nghiệp các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông đạt 47 – 57%; tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 110 trẻ trai/100 trẻ gái; tuyên truyền hàng trăm phóng sự, tin bài, hàng ngàn tờ rơi, cẩm nang pháp luật về bình đẳng giới.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại qua bao thế hệ. Phân biệt đối xử về giới vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhiều phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa dám đấu tranh để được bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực xã hội và gia đình. Nhiều nam giới còn định kiến, cản trở sự phấn đấu của phụ nữ. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thay đổi. Công tác tuyên truyền đôi khi còn mang tính hình thức. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch của Trung ương như tỷ lệ nữ tham chính; số vụ bạo lực gia đình, tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng trong năm 2016; … đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải nỗ lực hơn nữa để đạt các mục tiêu đề ra.
Để khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và làm tốt hơn nữa công tác bình đẳng giới trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi chỉ tiêu hoàn thành của từng ngành đều góp phần tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể. Tôi đề nghị các cơ quan có thành viên tham gia Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, đặc biệt là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với vai trò thường trực Ban cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Một là, tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các kế hoạch, chương trình, giải pháp, hoạt động theo từng giai đoạn và hàng năm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt Kế hoạch số 3759/KH-UBND ngày 10/10/2016 triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các Dự án, mô hình hoạt động có hiệu quả.
Hai là, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, chú trọng công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động. Bố trí nhân sự và thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, các ngành. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nắm tình hình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư của mạng lưới cộng tác viên bình đẳng giới trong toàn tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Bình đẳng giới với hình thức sinh động, phong phú, chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, sát với đối tượng, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tác động thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về quyền bình đẳng nam, nữ.
Bốn là, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý những khó khăn, tồn tại, vi phạm trong thực hiện pháp luật bình đẳng giới, đúc kết các bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, tuyên dương những điển hình tiêu biểu.
Qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, chúng ta đã lựa chọn và tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng trong Hội nghị này. Đây là những nhân tố quan trọng đã đóng góp các mô hình, hoạt động nhằm triển khai thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới vào thực tiễn cuộc sống.
Trong thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả hơn nữa để công tác bình đẳng giới thật sự lan tỏa, trở thành ý thức, nếp nghĩ của mọi người dân.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân; Sở Lao động-Thương binh và xã hội tặng giấy khen cho 19 tập thể, 33 cá nhân có thành tích trong việc triển khai Luật BĐG giai đoạn 2007-2017.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể
Các cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể