Bình đẳng giới là một biểu hiện cơ bản của mức độ phát triển xã hội, là cơ sở quan trọng để phát huy năng lực của nam giới và nữ giới, là điều kiện lý tưởng để nam giới và nữ giới cùng thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.
Sáng ngày 14/11/2017 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Bình Dương năm 2017. Với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay được phát động từ ngày 15-11 đến 15-12. Mục đích của Tháng hành động là thu hút sự quan tâm và tham gia của gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Lê Minh Quốc Cường GD Sở phát biểu khai mạc Lễ Phát động
Quang cảnh tại buổi Lễ phát động
Bà Phạm Phương Thảo nguyên phó bí thư thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tuy đã giảm nhiều trong những năm gần đây nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các ban ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ (năm 2010), cho thấy 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia toàn cầu và xếp thứ 7 các quốc gia tại khu vực châu Á về khoảng cách giới. Dẫu vậy, qua xem xét cụ thể khoảng cách giới trên một số lĩnh vực xã hội về cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, chính sách chế độ cho nữ giới vẫn còn những khoảng cách chưa được thu hẹp. Trong gia đình, khoảng cách giới vẫn là rào cản phụ nữ, trẻ em gái phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần. Nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng của văn hóa nho giáo, trọng nam hơn nữ, nên nhiều gia đình vẫn muốn “bồi đắp” cả tinh thần lẫn vật chất cho người “nối dõi tông đường”. Cùng với đó là xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, các bậc cha mẹ vẫn mong muốn được ở cùng con trai khi về già, từ đó nảy sinh sự phân biệt.
Bình Dương, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đến nay, công tác bình đẳng giới được thực hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 còn thấp hơn so với chỉ tiêu và kỳ vọng về tỷ lệ nữ tham chính; số vụ bạo lực gia đình năm 2016 là 144 vụ, trong đó trên 92% nạn nhân là phụ nữ; nhiều phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa dám đấu tranh để được bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực xã hội và gia đình. Nhiều nam giới còn định kiến, cản trở sự phấn đấu của phụ nữ.
Để thu hút sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội về tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 4704/KH-UBND ngày 19/10/2017 thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Bình Dương năm 2017 với các hoạt động chính: tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở cấp tỉnh và 09 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ đề, các thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động; tổ chức chiến dịch truyền thông tại các huyện, thị xã, thành phố; treo băng rôn tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các tuyến đường chính; phối hợp với các ban, ngành và cơ quan truyền thông truyền tải thông tin liên quan đến Tháng hành động.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với ý nghĩa huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và mạnh dạn bày tỏ thái độ phê phán, lên án những hành vi gây bạo lực trên cơ sở giới, tạo môi trường sống tốt đẹp, hạnh phúc và cam kết thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
Nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thu hẹp khoảng cách giới trên các lĩnh vực xã hội và trong gia đình là cần thiết để tiến tới một xã hội văn minh, tiến bộ; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Vận động toàn xã hội tích cực hành động, nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái; xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái là để thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là xâm hại tình dục. Để đạt được điều đó thì việc đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là việc phải làm và Tháng hành động thêm một lần nhắc nhở mọi người hãy chung tay thực hiện.
Phòng BVCSTE&BĐG - Sở LĐTBXH