Sáng 11-5, tại TP. Thủ Dầu Một, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cho các cơ quan, ban, ngành tỉnh và các cán bộ địa phương.
Tham dự hội nghị có ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, báo cáo viên cho hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Đặng Hoa Nam triển khai Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017. Luật có 7 chương, 106 điều, tăng 46 điều so với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Trong đó, quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm… Đây là những điểm mới trong Luật Trẻ em năm 2016.
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Trẻ em về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai tốt Pháp lệnh về Trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; công tác quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng được thực hiện khá tốt, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo không có điều kiện học tập; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em chưa được làm tốt, như: Trẻ em lao động trước tuổi, bị bạo lực trong gia đình, bị xâm hại tình dục… đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Việc triển khai Luật Trẻ em và Nghị định số 56 rất cần thiết, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành nhằm làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016. Ông mong muốn, sau hội nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và có tham mưu, đề xuất cụ thể đối với cấp ủy, chính quyền nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh./.