Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương tại công văn số 4906/UBND-VX ngày 23/12/2016, vào lúc 9 giờ ngày 28/12/2016, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng với ngành có liên quan tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Văn phòng Chính Phủ để đóng góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Tại buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Phùng Trung - Phó Giám đốc Sở, đồng chí Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở, các Phòng chuyên môn thuộc Sở cùng với đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và đại diện của Chi hội thương gia Đài Loan, Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương. Về phía Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do ông Trương Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ làm trưởng đoàn và đại diện của các cơ quan như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính…
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã nghe đại diện lãnh đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan của tỉnh Bình Dương nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động với mong muốn tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Lao động, khắc phục được những hạn chế, nhằm đưa các quy định và thực tiễn của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn lao động của Quốc tế. Nội dung đóng góp tập trung vào các chủ đề lớn như: Tuổi nghỉ hưu; Đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp; quyền và trình tự, thủ tục khiếu nại về lao động; Tăng thời gian làm thêm; Phạm vi đình công; Hợp đồng lao động; Tiền lương.
Các đại biểu lãnh đạo Sở, Ban ngành tại Bình Dương tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ngành tỉnh Bình Dương cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và sẽ xem xét, cân nhắc trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động bởi vì đã có rất nhiều Luật khác có nội dung liên quan với Bộ luật Lao động được ban hành hoặc sửa đổi (như: Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015, Luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hình sự năm 2015 ...) nên Bộ luật Lao động cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của các cam kết trong các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).