I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I/2021
1. Tổng quan về thị trường lao động quý 1
Trái ngược với thị trường lao động đầu năm 2020, tình hình thị trường lao động những tháng đầu năm 2021 luôn "nóng" do đang trong cơn "khát" lao động phổ thông. Trong quý I/2021, Trung tâm đã giao dịch với 1.216 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, trong đó có 581 doanh nghiệp giao dịch trực tuyến và 635 doanh nghiệp đến giao dịch trực tiếp. Nguồn cầu trong quý 1 là 42.144 lao động, trong đó nhu cầu về lao động có chuyên môn kỹ thuật là 9.584 lao động, nhu cầu lao động phổ thông là 32.560 lao động. So với cùng kỳ năm 2020, tổng nhu cầu tuyển dụng tăng 7,7% đây là sự khởi động đầy năng lượng, là tín hiệu tốt về thị trường việc làm trong những tháng tháng tiếp theo. Đồng thời, thể hiện hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Biểu đồ 1: Cầu lao động quý 1 năm 2021
Đối với nguồn cung trên địa bàn tỉnh trong quý 1, Trung tâm đã thực hiện tư vấn cho 17.186 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 11.414 lượt lao động và đã có 7.529 lao động có việc làm. So với cùng kỳ năm trước, nguồn cung tăng 16,8%, tỷ lệ có việc làm tăng 19,8%. Riêng đối với lao động hưởng BHTN, Trung tâm cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12.426 người nộp hồ sơ mới từ đầu năm đến nay. Mặc dù luôn trong trạng thái chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng ở thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tại tỉnh Bình Dương đã xuất hiện người dương tính với Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, sau đó lực lượng chức năng đã phong tỏa, truy vết và ngăn chặn dịch bùng phát; tuy nhiên, cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lo sợ của người dân và gây ra những hạn chế nhất định trong việc thu hút nguồn lao động từ các tỉnh/thành khác về Bình Dương sau kỳ nghỉ tết.
Biểu đồ 2: Cung lao động quý 1 năm 2021
Thế nhưng, trước sức hút của thị trường nguồn cầu với những ưu thế như: nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đa dạng việc làm, tiền lương, thu nhập tương đối cao và ổn định; môi trường, điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi được quan tâm và đảm bảo; v.v…đã tạo ấn tượng tốt đối với nhiều người lao động trên khắp cả nước; đã lôi cuốn họ chọn Bình Dương là nơi lập nghiệp và phát triển bản thân. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân người lao động ngay cả khi có xảy ra tình huống dịch chuyển lao động ngược về các tỉnh.
Thu nhập của lao động trong những tháng đầu năm 2021 có xu hướng cao hơn so với đầu năm 2020. Mặc dù Nhà nước chưa có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, nhưng một số doanh nghiệp đã quyết định tăng mức lương cơ bản cho lao động trong năm 2021, hiện tại mức lương cơ bản của lao động phổ thông dao động trong khoảng 4,5 đến 5,8 triệu đồng; mức lương cơ bản cao hay thấp còn phụ thuộc tính chất công việc, trình độ lao động, loại hình doanh nghiệp. Chính vì vậy, thu nhập bình quân/tháng của lao động phổ thông ở mức: 5 – 6 triệu đồng, lao động có tay nghề/kinh nghiệm: 7 – 8 triệu đồng, lao động có trình độ/chuyên môn: 7,5 – 9 triệu đồng.
2. Nhu cầu tuyển dụng
Tuyển dụng theo khu vực
Trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trải đều trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các khu vực Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một đều có từ 100 doanh nghiệp trở lên đăng ký tuyển dụng; huyện Phú Giáo là nơi có số doanh nghiệp tuyển dụng thấp nhất, Bắc Tân Uyên là huyện có số lượng doanh nghiệp tuyển dụng cao nhất trong 4 huyện của tỉnh Bình Dương. Trước tình hình khan hiếm lao động, các tỉnh lân cận như Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Phước cũng mở rộng địa bàn tuyển dụng nhằm thu hút lao động về với doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp khó khăn trước tình hình nguồn cầu lớn hơn cung.
Biểu đồ 3: Nhu cầu tuyển dụng theo khu vực
Tuyển dụng theo công việc/nghề nghiệp
Trong quý 1/2021, nhu cầu về lao động phổ thông là nhu cầu lớn và cấp thiết của đa số doanh nghiệp với số lượng là 32.560 lao động, chủ yếu làm việc trong các ngành may, gỗ, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm, chế tạo máy móc thiết bị...; trong đó lao động có kinh nghiệm hoặc sử dụng được các máy móc, thiết bị trong ngành vẫn được ưu tiên tuyển dụng.
Nghề nghiệp, việc làm trên thị trường lao động hiện nay rất phong phú do sự đa dạng về ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có khoảng 34 vị trí công việc/việc làm được các doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng; trong đó, nhu cầu về lao động trình độ thấp vẫn chiếm đa số như: lao động phổ thông, lao động có tay nghề may, gỗ, da giày, kinh doanh bất động sản. Các vị trí việc làm cần trình độ chuyên môn/kỹ thuật gồm có: kế toán, nhân sự, thu mua, theo dõi đơn hàng, kế hoạch sản xuất, phiên dịch, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng, nhân viên văn phòng gọi chung, thiết kế, bảo trì điện/máy móc, vận hành máy, kho, ... đa số đều yêu cầu trình độ tối thiểu là trung cấp; ngoại trừ công việc kế toán, phiên dịch, bảo trì, lập trình/vận hành CNC, kỹ sư thì các vị trí khác không yêu cầu chuyên ngành; sử dụng thành thạo vi tính, biết ngoại ngữ.
Biểu đồ 4a: Công việc có nhu cầu tuyển dụng cao
Biểu đồ 4b: Công việc có nhu cầu tuyển dụng thấp
Biểu đồ 4c: Công việc có nhu cầu tuyển dụng trung bình
Thực tế cho thấy, thị trường đang rất cần đội ngũ lao động đã được đào tạo nghề nghiệp các ngành như: điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, tự động hóa, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, hàn, tiện, … tuy nhiên số lượng này đáp ứng cho thị trường mỗi năm là rất ít; bên cạnh đó khi ra trường gia nhập làm việc thực tế chưa thể thạo việc, buộc doanh nghiệp phải hướng dẫn, đào tạo lại. Do đó, các doanh nghiệp lựa chọn tuyển lao động phổ thông và đào tạo tại chổ, vừa đáp ứng được yêu cầu công việc vừa có chi phí hợp lý.
Tuyển dụng theo trình độ, chuyên ngành
Do thị trường đang khan hiếm lao động, nên các doanh nghiệp không quá chú trọng đến yêu cầu về trình độ cho lao động. Đối với nhóm nghề lao động phổ thông, tổng nhu cầu là 32.560 lao động, trong đó trình độ cao nhất là THPT nhưng chiếm tỷ lệ thấp nhất; nghề nghiệp phổ biến yêu cầu trình độ này gồm: bảo vệ, kinh doanh bất động sản, giao nhận. Lao động làm việc trong các ngành gia công, lắp ráp điện tử sẽ đòi hỏi trình độ tối thiểu là THCS; ngành may, da giày chỉ cần học hết tiểu học; lao động làm việc trong ngành gỗ chỉ cần biết chữ, tuy không yêu cầu trình độ nhưng đòi hỏi sự cần cù và sức khỏe. Sự thiếu hụt lao động buộc doanh nghiệp hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống mức không yêu cầu trình độ, chỉ cần biết đọc viết nhưng vẫn không thu hút được lao động.
Trong quý 1, nhu cầu về nhóm nghề kỹ thuật là 7.350 lao động, các doanh nghiệp luôn mong muốn chọn lao động có trình trung cấp, cao đẳng; chỉ một số ít yêu cầu phải đạt trình độ chuẩn đại học; hơn 20% nhu cầu không phân định rỏ trình độ. Có những công việc chỉ cần trình độ THCS hoặc THPT như: thống kê, nhập liệu, kho, thợ phụ điện tử, điện lạnh, học viên sửa chữa điện thoại, học viên vận hành máy; doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chổ tuy nhiên việc tuyển dụng cũng khá khó khăn.
Thị trường cần 2.234 lao động trong nhóm nghề có chuyên môn, ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn, vị trí việc làm trong nhóm nghề này còn đòi hỏi những kỹ năng, sự nhanh nhạy và giao tiếp cá nhân tốt. Chính vì vậy, công việc kế toán hay nhân viên văn phòng sẽ cần trình độ tối thiểu là trung cấp, doanh nghiệp vẫn ưu tiên cho những trình độ cao hơn và nhất là mới tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn có một số việc làm trong nhóm nghề này chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc THCS nhưng phải biết vi tính hoặc tiếng Hoa, hoặc yêu cầu cả hai kỹ năng.
Biểu đồ 5: Nhu cầu tuyển dụng theo trình độ/chuyên ngành
Thu nhập, phúc lợi
Trước tình trạng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp bắt đầu có sự cạnh tranh trong chính sách tuyển dụng như: tăng các khoảng phụ cấp, cải thiện chế độ khen thưởng, nghỉ dưỡng, bổ sung các chế độ nhà trẻ, ký túc xá, xe đưa rước, v.v… nhằm thu hút nguồn lao động; tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp có chế độ lương, thưởng, phúc lợi đúng với thông tin tuyển dụng đã tuyên truyền thì mới thu hút và giữ chân lao động gắn bó lâu dài.
Nhằm thu hút nguồn nhân lực, hiện một số doanh nghiệp đã xây dựng thang bảng lương cho từng nhóm nghề như: nhóm nghề chuyên môn có mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng, nhóm nghề kỹ thuật có mức lương từ 8 đến 9 triệu đồng, nhóm nghề lao động phổ thông từ 5 đến 6 triệu đồng. Nhưng đây chỉ là khung lương cơ bản, doanh nghiệp sẵn sàng thỏa thuận mức lương đối với ứng viên có kinh nghiệm và tay nghề cao, tùy vào năng lực của lao động.
3. Nhu cầu tìm việc
Nhu cầu tìm việc phân chia theo khu vực
Theo thống kê về mong muốn làm việc ở các khu vực trong tỉnh Bình Dương của 11.414 lao động trong quý 1, đa số đều có nhu cầu được làm việc tại khu vực Thuận An, Thủ Dầu Một và Dĩ An hoặc có bán kính 10km trở lại; 15,7% có nhu cầu làm việc ở Tân Uyên; 6,5% có nhu cầu làm việc ở Bến Cát; 02 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên có tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, người lao động có thể sẽ "đầu quân" cho các công ty ở xa nếu có chế độ xe đưa rước công nhân viên và mức thu nhập tương xứng.
Biểu đồ 6: Nhu cầu tìm việc theo khu vực
Thị trường nguồn cung trong quý 1/2021 khá đa dạng về nghề nghiệp, tuy nhiên có 20 nghề phổ biến được người đăng ký tìm kiếm (biểu đồ bên dưới). Trong đó, tài xế là nghề được 2.443 người tìm kiếm việc làm; nghề nghiệp văn phòng được 2.249 người tìm kiếm với các công việc cụ thể như: hành chính nhân sự, thu mua, theo dõi đơn hàng, nghiệp vụ, kế hoạch, sinh quản, trợ lý; 1.769 người có nhu cầu tìm việc lao động phổ thông; 1005 người mong muốn được làm kế toán, đa số có kinh nghiệm làm kế toán nội bộ, 15% có nghề kế toán tổng hợp và 5% có nghề kế toán trưởng. Một số nghề có lượng cung thấp như: lao động ngành cơ khí (tiện, phay, bào, cắt, gọt), phiên dịch, thiết kế và xuất nhập khẩu; mặc dù những nghề này có thu nhập khá cao, nhưng do tính chất công việc đòi hỏi phải được đào tạo chính quy, có kỹ năng, tư duy và giao tiếp cá nhân tốt nên không phải ai cũng có thể làm được; mặt khác đây là những nghề có sự ổn định tương đối.
Biểu đồ 7: 20 nghề phổ biến được đăng ký tìm kiếm
Biểu đồ 7a: Bảng phân chia 20 nghề phổ biến theo số lượng tìm việc
Biểu đồ 7b: Bảng phân chia 20 nghề phổ biến theo mức lương
Những nghề mà người lao động đang làm việc có mức lương cao
Đây là một số nghề có mức lương cao hiện nay, tuy nhiên đòi hỏi phải có kinh nghiệm, năng lực và rất nhiều kỹ năng khác; với nghề Quản lý sản xuất/Tổ trưởng hoặc Giám đốc/Giám sát còn phải chịu áp lực công việc rất lớn. Do đó người tìm việc luôn muốn được thỏa thuận lương tùy theo năng lực của mình và trong quá trình làm việc không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và thay đổi nhận thức để nâng cao năng lực bản thân. Cũng chính vì vậy, đây là nghề của một số ít người và là nghề nghiệp lý tưởng của những người có ý chí phấn đấu, luôn nổ lực vươn lên và có trách nhiệm với công việc.
Biểu đồ 8: Nghề mà người lao động đang làm việc có mức lương cao
4. Liên kết lao động
Hiện tại, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp cao hơn rất nhiều lần so với số lượng lao động đang hiện hữu. Do đó, việc kết nối đưa thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến với lao động chưa có việc làm tại các tỉnh bạn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm DVVL Bình Dương. Thông qua chương trình liên kết lao động, ngay từ đầu năm Trung tâm đã kết nối với các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đắc Lăk, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang; vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực tiềm năng, vừa đảm bảo thống nhất và linh hoạt trong việc giải quyết việc làm cho lao động trên cả nước. Chỉ trong quý 1, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 300 lao động thông qua chương trình này và sắp tới sẽ chào đón nhiều lao động hơn dịch chuyển về bởi chính những nội lực tiềm năng của nguồn cầu trên địa bàn tỉnh.
II. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ II/2021
Với những tính hiệu tích cực trong những tháng đầu năm, dự báo thị trường lao động trong quý 2/2021 sẽ tiếp tục "nóng" vì nguồn cầu còn thiếu khoảng 30.000 lao động. Tuy nhiên, sức "nóng" sẽ được hạ nhiệt khi có một số lao động từ các tỉnh miền tây dịch chuyển về nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, các tân cử nhân của các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng sẽ tham gia vào thị trường lao động với mong muốn tìm được công việc phù hợp, đồng thời có trên 10.000 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tiếp cận với thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp.
Mặt khác, đầu quý 2 sẽ có lực lượng không nhỏ lao động chuyển đổi công việc với mong muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm cơ hội tốt hơn; trong thời gian tìm việc mới, một số sẽ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng, đa dạng về trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi; doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lao động thông qua sự hỗ trợ của Trung tâm DVVL Bình Dương, tuyên truyền thông tin tuyển dụng tại các buổi tư vấn tập trung, tham gia tuyển dụng tại sàn việc làm online trên website: vieclambinhduong.vn; Trung tâm sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ tận tâm trong việc giúp doanh nghiệp tuyển dụng hiệu quả, đủ nguồn nhân lực đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh./.
TRUNG TÂM DVVL BÌNH DƯƠNG