Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Chí Tưởng -TTXVN
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nhấn mạnh đến vai trò quan trọng trong việc kết nối lao động, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đầu tư vào các giải pháp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng dự báo cung cầu lao động, mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Sở thúc đẩy các chính sách hỗ trợ người lao động, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan hướng đến mục tiêu xây dựng một thị trường lao động hiện đại, năng động và bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và duy trì vị thế là một trong những địa phương phát triển hàng đầu cả nước.
Năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã triển khai hàng loạt chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, kết nối hơn 120.855 lao động với các doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đạt 7.287, với nhu cầu tuyển hơn 79.412 lao động, tăng 75% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo kỹ năng và hướng nghiệp cũng được đẩy mạnh. Tỉnh đã tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 1.120 học sinh trung học phổ thông, 800 bộ đội xuất ngũ và tổ chức hai đợt tư vấn tại các trại giam. Công tác hỗ trợ lao động xuất khẩu cũng được chú trọng, với 87 người đăng ký thi tiếng Hàn và 8 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài EPS.
Đặc biệt, tỉnh đã cấp hơn 11.134 giấy phép lao động cho người nước ngoài, tăng 1,2 lần so với năm trước; đồng thời tổ chức ba hội nghị đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan.
Trong năm qua, Bình Dương đã triển khai và đưa vào hoạt động hai ứng dụng di động là “Việc làm Bình Dương” và “Bảo hiểm thất nghiệp”, giúp tối ưu hóa việc tìm kiếm thông tin việc làm, bảo hiểm và các chính sách liên quan. Tỉnh đang hợp nhất hai ứng dụng này thành một nền tảng duy nhất nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hiệu quả hơn trong tương lai.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đóng vai trò đầu mối trong việc xây dựng ứng dụng “Cầu lao động khu vực phía Nam,” tạo sự liên thông và linh hoạt giữa các tỉnh miền Trung và miền Nam trong việc kết nối cung cầu lao động.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tiếp tục được củng cố với 70 cơ sở đào tạo. Trong năm 2024, Bình Dương đã tuyển sinh được 42.528 học viên, đạt 121% kế hoạch. Hơn 85% học viên tốt nghiệp có việc làm ngay, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Nguồn: bnews.vn