Nhằm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người đứng đầu bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Kế hoạch 156-KH/TU ngày 11/6/2024 để triển khai thực hiện, giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan, cụ thể như sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, Tháng công nhân hàng năm và Chương trình quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động các giai đoạn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; đặc biệt đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như các công trình xây dựng, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (nồi hơi, thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, hệ thống lạnh,…); thường xuyên thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Sở Tư pháp: Phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Sở Y tế: Triển khai, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động.
Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về sơ cấp cứu ban đầu tai nạn lao động, phòng chống các yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động và giám sát việc thực hiện đối với các đơn vị ngoài tỉnh đến thực hiện tại địa bàn tỉnh.
Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động, tại các cơ sở lao động có yếu tố có hại nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và dự toán do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch số 156-KH/TU theo quy định.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện giám sát, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện tốt Chỉ thị số 31–CT/TW.
Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
Phối hợp Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Tỉnh tổ chức chương trình Lễ phát động hưởng ứng Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.
Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ đoàn viên, người lao động trong hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, đất nước, góp phần đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.
Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tăng cường vận động, tuyên truyền, giám sát doanh nghiệp, tổ chức, công đoàn viên, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 31–CT/TW và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đề nghị Hội Nông dân tỉnh
Tổ chức tuyên truyền cho hội viên Chỉ thị số 31–CT/TW; tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Phối hợp với các ngành có liên quan áp dụng các giải pháp khoa học, công nghệ để cải thiện môi trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng công nhân hàng năm.
Phối hợp thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động ở các khu vực phi kết cấu.
Chủ doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh
Chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản pháp luật liên quan, đẩy mạnh và đặc biệt chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động tại đơn vị mình.
Chịu trách nhiệm biên soạn nội dung: P Chính sách lao động