Câu hỏi 1. Đề nghị hướng dẫn về các nội dung được sử dụng đối với số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19, cụ thể như thế nào? Người sử dụng lao động có thể sử dụng số tiền này để chi những nội dung như: Trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn không?
Trả lời:
Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không quy định cứng nhắc các nội dung chi. Vì vậy, người sử dụng lao động chủ động quyết định nội dung chi hợp pháp trên cở sở bảo đảm "hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19" đúng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Đối với các nội dung chi cụ thể tại câu hỏi trên (trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn) để hỗ trợ cho người lao động phòng chống covid 19 là không trái với các quy định hiện hành.
Câu hỏi 2. Người sử dụng lao động dùng số tiền giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động có được không?
Trả lời:
Theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì "người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống Covid-19", không có quy định loại trừ hình thức hỗ trợ bằng tiền cho người lao động. Do vậy, người sử dụng lao động sẽ quyết định hình thức hỗ trợ cho người lao động phòng chống Covid-19 phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Câu hỏi 3. Mục tiêu và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện chính sách giảm mức đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN?
Trả lời:
Chính sách này được xây dựng nhằm mục tiêu hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn người sử dụng lao động và người lao động trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, nhưng vẫn bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN .
Đối tượng hướng tới của chính sách là toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Theo quy định pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động đang đóng cho người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức từ 0,3% - 0,5 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi áp dụng chính sách, giảm mức đóng về 0 đồng, trong 12 tháng (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022), ước tính người sử dụng lao động có thêm tổng số khoảng trên 3,7 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động phòng, chống COVID-19.
Câu hỏi 4. Thủ tục thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có đơn giản không? Trong thời gian thực hiện chính sách này (mức đóng bằng 0 đồng), thì người lao động nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có bị mất chế độ không? Hay được giữ nguyên như quy định hiện hành?
Trả lời:
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào. Người sử dụng lao động vẫn thực hiện đăng ký tham gia và đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng áp dụng mức đóng bằng 0 đồng.
Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo chính sách này (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) vẫn được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mọi chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian này vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Câu hỏi 5. Những doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm dần số lượng lao động qua các tháng, vậy có được miễn đóng bảo hiểm tại nạn và bệnh nghề nghiệp không?
Trả lời:
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tất cả các doanh nghiệp đều được áp dụng chính sách giảm đóng (tức là áp dụng mức đóng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không có thêm quy định điều kiện nào khác.
Vì vậy, với doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm dần số lượng lao động qua các tháng, dù có ít lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì vẫn được áp dụng chính sách này.
Câu hỏi 6. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có được áp dụng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng được hưởng chính sách này là toàn bộ người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhận dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).
Do vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động) thuộc đối tượng áp dụng của chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Câu hỏi 7. Các doanh nghiệp thành lập mới từ sau ngày 01/7/2021 thì có được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022), bao gồm cả các doanh nghiệp thành lập mới từ sau ngày 01/7/2021.
Câu hỏi 8. Doanh nghiệp, đơn vị được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì có phải thanh toán, quyết toán phần kinh phí do giảm mức đóng với cơ quan bảo hiểm xã hội không?
Trả lời:
Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không quy định đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Câu hỏi 9. Trong thời gian được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người lao động phát hiện ra bệnh nghề nghiệp hoặc xảy ra tai nạn lao động có được chi trả chế độ không?
Trả lời:
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 1, Chương I Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động thì trong thời gian giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trong 12 tháng, từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022), người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi như đang đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Câu hỏi 10. Trình tự hồ sơ, thủ tục thực hiện việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào?
Trả lời:
Trên cơ sở dữ liệu quản lý thu cơ quan bảo hiểm xã hội lập và gửi đơn vị Thông báo giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp đơn vị có người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên) thì đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH (Mẫu số D02-LT ban hành kèm theo Quyết định số 1040/QĐ-BHXH ngày 18/8/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Câu hỏi 11. Trong tháng 7 năm 2021 doanh nghiệp có 1 lao động đang hưởng chế độ thai sản, đến tháng 8 năm 2021 tăng lại. Như vậy, căn cứ vào thông báo tạm tính về số tiền giảm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ cơ quan bảo hiểm xã hội thì người lao động này có được tính giảm tai nạn lao động - bệnh nghiệp theo quy định không?
Trả lời:
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Trong tháng 8 năm 2021, doanh nghiệp tăng 01 lao động sau khi nghỉ thai sản thì lao động này vẫn được tính để giảm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ tháng 8 năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2022 theo quy định.
Câu hỏi 12. Tôi là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước thuộc một Sở của tỉnh, tiền lương của tôi được hưởng qua kinh phí cấp từ Sở Tài chính. Qua báo đài, tôi được biết là Chính phủ có hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng lao động giảm đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, đối với bản thân tôi cùng những người trong đơn vị tôi có nhận được gói hỗ trợ này không?
Trả lời:
Tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì Ông/Bà là viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không thuộc đối tượng hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.