Thứ sáu, 28/12/2018, 15:23 (GMT+7)
(0274) 3822.463
Tin Tức
Thứ 6, Ngày 13/12/2019, 10:00
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRẢ LỜI CÁC NỘI DUNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP HĐND TỈNH LẦN THỨ 12 – KHÓA IX
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/12/2019
(Kỳ họp diễn ra từ ngày 09 – 11/12/2019)

1. Câu hỏi: (VỀ LĨNH VỰC  GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP – VIỆC LÀM) (Đại biểu HĐND tỉnh Phan Hoàng Ân – thuộc tổ đại biểu huyện Bàu Bàng)

Qua giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh, trong những năm qua chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cải thiện và có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành và doanh nghiệp; số lượng lao động cung ứng chưa ổn định; mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn thiếu chặt chẽ; việc hỗ trợ tiêu thụ đầu ra của sản phẩm cho người lao động chưa mang tính ổn định và lâu dài.

Như vậy với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị ông Giám đốc Sở nêu rõ những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

1. Về kết quả nguồn cung ứng cho doanh nghiệp:

Theo thống kê về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thì trên địa bàn tỉnh hàng năm cần khoảng 160.000 vị trí việc làm trống (nhu cầu thực tế của thị trường khoảng 70.000 lao động), trong đó: lao động phổ thông chiếm 70%, lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 30%; về đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động: thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, hoạt động thông tin thị trường lao động nên đã đáp ứng kịp thời khoảng 80% nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật, khoảng 40% đến 45 % về lao động phổ thông so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp…

        Việc cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và chưa ổn định, lý do:

- Nhu cầu tuyển dụng lao động những năm qua luôn ở mức cao gắn với việc phát triển kinh tế của tỉnh: dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất trong khi lực lượng lao động của tỉnh hàng năm bước vào tuổi lao động bình quân chỉ đáp ứng 35% (khoảng 22.000 người) nhu cầu tuyển dụng, do: một số tiếp tục việc học tập, số lao động chưa muốn tham gia vào thị trường lao động, một số lao động làm việc tại các tỉnh thành khác, đi lao động, học tập ở nước ngoài, tự tạo việc làm và tham gia hoạt động kinh tế tại gia đình. Thị trường lao động của tỉnh có sự mất cân đối lớn: cung lao động không đáp ứng đủ cầu lao động, thị trường lao động thiếu hụt khoảng 50.000 lao động, tình trạng khan hiếm lao động xảy ra ở hầu hết các ngành nghề tại Bình Dương.

- Thị trường lao động chưa có sự tương thích về cung - cầu lao động: có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo; và ngược lại; số lượng chỗ làm việc nhiều và có nhiều người có nhu cầu tìm việc làm nhưng không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.

- Việc thiếu hụt lao động trên địa bàn còn chịu ảnh hưởng từ việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp của các tỉnh dẫn đến việc cạnh tranh nguồn lao động: lao động đang làm việc có xu hướng quay trở lại nơi cư trú để tìm việc, lực lượng lao động tại các tỉnh có nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc phù hợp, tìm kiếm nơi làm việc có mức lương phù hợp. Việc thu hút nguồn lao động dư thừa từ các tỉnh về Bình Dương đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất khó khăn.

2. Sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với các Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động:

Xác định việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước, nhà trường và xã hội. Do đó, trong thời gian qua, Sở đã có nhiều hoạt động định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác đào tạo gắn kết với doanh nghiệp như: tổ chức Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tổ chức Hội thảo Giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Dương; tổ chức các hội thảo, ký kết việc hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn của tỉnh,... Từ đó, xác định tính cấp thiết cần phải đổi mới cách thức tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Dương.

- Hầu hết các trường Cao đẳng, Trung cấp và Trung tâm GDNN trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức phòng Quan hệ đối ngoại hoặc cán bộ phụ trách với nhiệm vụ gắn kết với doanh nghiệp để làm cầu nối đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của doanh nghiệp và người học nghề. Số lượng cơ sở GDNN hiện nay có hợp tác với doanh nghiệp là 15/95 cơ sở, đạt tỷ lệ 15,8%.

Tuy nhiên sự gắn kết với doanh nghiệp gặp phải những những khó khăn, vướng mắc, đó là:

  • Do yêu cầu bí mật công nghệ, ý thức kỷ luật của một số HSSV chưa cao nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại trong việc cho HSSV thực tập.
  • Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên doanh nghiệp còn chủ yếu ở những nghề trình độ sơ cấp, những nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng chưa nhiều do thời gian đào tạo chưa phù hợp với thời gian công việc và công nghệ, thiết bị đào tạo của nhà trường chưa phù hợp với máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.

- Khó tiếp cận, quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài vì một số chủ các doanh nghiệp không hiểu được lợi ích khi phối hợp với nhà trường, mất thời gian của doanh nghiệp.

Từ những lý do khó khăn vướng mắc trên, để:

1. Từng bước hạn chế việc thiếu hụt nguồn lao động, tạo sự gắn bó hữu cơ nhu cầu nhân lực của từng ngành, của doanh nghiệp, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và trung hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống liên quan đến các ngành nghề...; làm cơ sở giúp cho người lao động có thông tin để lựa chọn vị trí dự tuyển, quyết định học nghề, tiếp cận công việc phù hợp, giúp cho người sử dụng lao động lựa chọn để tuyển dụng lao động, đặc biệt giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nắm bắt thông tin về yêu cầu chuyên môn, tay nghề của người lao động mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu ở hiện tại và trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng công tác đào tạo để gắn kết nhu cầu lao động.

Thứ hai: Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh trong thực hiện đẩy mạnh các hoạt động thông tin đến người lao động về thị trường lao động, về lao động, việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm: tổ chức sàn giao dịch với tần suất tăng, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, mở rộng về thời gian, phạm vi và cách thức thực hiện: Phiên GDVL mini, Sàn GDVL trực tuyến (tư vấn qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, Facebook, Skype, …), tiếp tục liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh qua việc thực hiện sàn GDVL; xây dựng bản tin thông tin thị trường lao động tỉnh Bình Dương; ngân hàng dữ liệu lao động… đặc biệt quan tâm tư vấn - giới thiệu việc làm cho Bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới ra trường thông qua hình thức đến tư vấn- giới thiệu việc làm trực tiếp tại buổi ra quân và các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

          Thứ ba: Tiếp tục phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xã, phường, thị trấn thông tin qua hệ thống phát thanh về các phiên giao dịch việc làm (định kỳ 02 phiên/tháng) nhằm tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động – việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân.

          Thứ tư: Phối hợp các Sở, ngành có liên quan tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hiểu rõ và thực hiện đúng những quy định của Nhà nước về pháp luật lao động.

          Thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật lao động, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

          Ngoài ra, để hỗ trợ các hoạt động đưa người lao động từ các tỉnh về Bình Dương làm việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các Sở, Ban, Ngành có liên quan đã tham mưu Ủy ban nhân tỉnh để ban hành kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh giai đoạn 2020- 2024 nhằm thu hút lực lượng các tỉnh về Bình Dương đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

2. Để tạo sự gắn kết được tốt hơn và đảm đảm bảo tính ổn định, lâu dài giữa các cơ sở GDNN và Doanh nghiệp. Trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở có các giải pháp cụ thể:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo tại doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề, tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nghề gắn kết với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp: thỏa thuận hợp tác đào tạo, tuyển dụng, ký kết tiếp nhận học sinh sinh viên tham quan, thực hành và thực tập sản xuất làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tìm học bổng cho học sinh-sinh viên tại trường, …

- Tổ chức các chương trình bồi dưỡng cho nhà giáo tham quan, tập huấn tại DN để cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn kỹ năng nghề nghiệp và khả năng cập nhật tiến bộ KHKT của ngành nghề đang giảng dạy.

- Khuyến khích các DN tham gia vào quá trình đào tạo nghề của nhà trường hoặc đăng ký hoạt động tổ chức đào tạo nghề tại DN cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại DN; các hoạt động hỗ trợ chương trình giảng dạy, học tập, tài trợ học bổng, …

Bên cạnh đó, Sở sẽ có kế hoạch cụ thể:

  • Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn việc gắn kết GDNN với thị trường lao động và tạo việc làm bền vững. Từng bước xây dựng có hiệu quả cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý dữ liệu sử dụng đồng bộ từ các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm GDNN, Doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN và kết nối liên thông với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Chỉ đạo TTDVVL tổ chức và mời doanh nghiệp cùng tham gia các sàn giao dịch việc làm ở trường cao đẳng, trung cấp để có thể tiếp cận tốt hơn nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và có phân loại các nhóm nghề tuyển dụng theo cung - cầu, có đánh giá hàng năm để từ đó có kế hoạch chỉ tiêu đào tạo tương ứng cho các cơ sở GDNN. Đồng thời tăng cường nhiều hơn nữa cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nhà trường nâng cao đào tạo kỹ năng thực hành nghề cho người học. Nhà trường xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo theo định hướng nhu cầu từ nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng thực hành nghề cơ bản, rèn luyện thái độ, ý thức tổ chức kỷ luật cho người học, hiểu rõ hơn nữa năng lực đào tạo và nhu cầu lao động của 02 bên.

    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn cho người học nghề, người dân hiểu rõ về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác đào tạo nghề, các chính sách học nghề,... được miễn, giảm học phí khi học. Phối hợp thực hiện tốt việc phân luồng.

    Về công tác xã hội hóa trên lĩnh vực GDNN:

    - Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tập trung tăng cường hợp tác với doanh nghiệp cùng đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề để từ đó khai thác tốt việc tự chủ chương trình đào tạo, đảm bảo nội dung bám sát yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, xã hội.

    - Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chung lĩnh vực đào tạo cùng hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo, phối hợp tuyển sinh, mở rộng, đa dạng loại hình, ngành nghề đào tạo, đặc biệt chú trong những nghề mới phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Đẩy mạnh liên thông, liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh đối với các ngành nghề phù hợp.
  • Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN, chính sách tín dụng đầu tư đối với các cơ sở GDNN, chính sách ưu đãi vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp... tạo sự hấp dẫn cho GDNN, thu hút người học vào GDNN; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách mời gọi, thu hút riêng của tỉnh về việc thành lập các trường cao đẳng, trung cấp ngoài công lập và có vốn nước ngoài song song với kêu gọi đầu tư FDI./.

 

2. Câu hỏi: VỀ LĨNH VỰC TRẺ EM (Đại biểu HĐND tỉnh Phan Hoàng Ân – thuộc tổ đại biểu huyện Bàu Bàng)

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện khá tốt, tuy nhiên theo báo cáo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình, bị tai nạn thương tích và trẻ em tử vong do đuối nước. Ngoài ra, việc nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ đối với con em mình ở một số gia đình, nhất là các hộ gia đình là công nhân ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp… vẫn còn hạn chế, nên chưa thấy hết nguy cơ, tác hại của việc trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Mặt khác, do trẻ em là đối tượng dễ bị lợi dụng, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sống cơ bản để nhận thức về nguy cơ và hậu quả khi bị bạo lực, xâm hại. Do vậy, trước tình trạng trên, đề nghị ông Giám đốc sở cho biết ngành đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

Trả lời:

Năm 2019 toàn tỉnh có 478.026 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 19,9% dân số trong tỉnh, trẻ em dưới 06 tuổi khoảng 140.832, chiếm 5,86% dân số trong tỉnh, 100% trẻ em dưới 06 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó ngành LĐ-TB&XH được giao là cơ quan thường trực. Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai thực hiện rất hiệu quả các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em như: chương trình bảo vệ trẻ em, chương trình phòng chống tai nạn thương tích, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Bình Dương, v.v…

Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, tai nạn thương tích và trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 31 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, 3277 trẻ em bị tai nạn thương tích, giảm khoảng 10% so với năm 2018 (3604) (bao gồm tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, ngộ độc thực phẩm,...) dẫn đến tử vong 16 trẻ em, trong đó tử vong do đuối nước là 06 trẻ.

* Nguyên nhân của tình hình xâm hại tình dục và tai nạn thương tích trẻ em đó là do:

- Sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, những trang web đen, game online, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm thâm nhập vào nước ta và sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận người lớn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

- Về phía gia đình, còn nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái. Các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (công nhân ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp) hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em.

- Do nhận thức và hiểu biết chưa toàn diện, sự biến đổi về tâm sinh lý lứa tuổi khiến cho một bộ phận trẻ em dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, dễ bị kích động và thích thể hiện, dẫn đến tình trạng chính các em là chủ thể của các hành vi bạo lực, xâm hại.

- Một số gia đình nhận thức chưa cao, còn chủ quan, xem nhẹ việc phòng chống tai nạn thương tích cho con em mình, dẫn đến trẻ em bị tai nạn, thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình, như: bỏng, đuối nước, điện giật, té ngã, ngộ độc, súc vật cắn…

Nhằm hạn chế tình trạng trên, hướng đến bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan luật trẻ em và các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành tại địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em.

2. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý công tác trẻ em cấo huyện, cấp xã, hội viên, cộng tác viên các khu ấp, cán bộ cung cấp dịch vụ giáo viên, người chăm sóc trẻ trên địa bàn tỉnh như: tập huấn chuyên đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em, phần mềm quản lý trẻ em.

3. Phối hợp cùng chính quyền địa phương và ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa, xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền về giáo dục An toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác vào một số môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục giới tính; truyền đạt định hướng cho học sinh kiến thức, kỹ năng thực tế giúp các em nhận biết được những hành vi xấu; đồng thời dạy các em cách chia sẻ với người lớn những điều vừa xảy ra để kịp thời bảo vệ các em khỏi những đối tượng xấu; hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.

4. Tăng cường chiến dịch truyền thông ở 09 huyện, thị, thành phố; tin bài trên báo Bình Dương, Đài phát thanh truyền hình Bình Dương, Đài truyền thanh cấp xã, bang-ron, Ban-ner tuyên truyền trên các tuyến đường tỉnh, huyện, xã cũng như truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em.

5. Thường xuyên quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban điều hành và nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương. Ưu tiên bảo đảm kinh phí để thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em./.

 

3. Câu hỏi: VỀ LĨNH VỰC GIẢM NGHÈO (Đại biểu HĐND tỉnh Võ Văn Đức – thuộc tổ đại biểu Thị xã Dĩ An)

Những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo, thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách cụ thể hướng tới người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội tiến tới giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo năm 2019 của UBND tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh tuy có giảm nhưng giảm chậm (tỷ lệ đạt 1.31% so với tỷ lệ đầu năm là 1.56%); đồng thời, qua giám sát Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh vẫn còn cao.

Như vậy, trước tình hình trên, đề nghị ông Giám đốc Sở cho cử tri được biết công tác quản lý nhà nước của ngành về thực hiện giảm nghèo và các giải pháp chống tái nghèo hướng đến giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Trả lời:

* Công tác quản lý nhà nước của ngành về thực hiện giảm nghèo:

Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, Sở đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Sở đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Do đó theo kết quả điều tra rà soát cuối năm 2019, toàn tỉnh có:

1. Số hộ nghèo là 3.806 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,31 %. Trong đó:

+ Số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 1.893 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,65 %.

+ Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là: 1.913 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,66 %.

2. Số hộ cận nghèo là 2.899 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1 %.

So với kết quả điều tra rà soát sau khi UBND tỉnh có chủ trương sửa đổi Bộ Công cụ điều tra rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh thì hộ nghèo cuối năm 2018 là 4.707, tỷ lệ 1.62 %. Từ đầu năm 2019 đến nay đã giảm được 1.250 hộ nhưng phát sinh hộ nghèo mới là 349 hộ (là những hộ rơi vào những trường hợp ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn đột xuất, v.v...) Đặc biệt là: Không có hộ tái nghèo. 

(*Tỷ lệ 1.56% đầu năm như Đại biểu phản ánh là kết quả rà soát thường xuyên trong 6 tháng đầu năm 2019, còn để đánh giá kết quả thực hiện trong cả năm 2019 thì phải lấy số liệu được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2018 để so sánh với số liệu cuối năm 2019).

Như vậy, tỷ lệ giảm nghèo từ 1.62% (cuối năm 2018) giảm xuống còn 1,31% (cuối năm 2019) là đã đạt và vượt mức theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019 là: Tỷ lệ giảm nghèo 0,3%/năm, không có hộ tái nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay hộ nghèo bảo trợ xã hội (hộ nghèo mà trong hộ không còn người có sức lao động, chỉ còn người già trẻ em hoặc người khuyết tật không còn khả năng lao động) chiếm tỷ lệ cao hơn hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo (hộ nghèo còn sức lao động, còn khả năng thoát nghèo): 1.913 hộ nghèo BTXH/1.893 hộ nghèo chỉ tiêu. Do đó, việc thực hiện giảm nghèo hiện nay hết sức khó khăn, vì những hộ nghèo thuộc chỉ tiêu cũng hầu hết là những hộ chỉ có 01 hoặc 02 lao động nhưng đông người ăn theo hoặc có người ốm đau bệnh tật...

* Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chống tái nghèo hướng đến giảm nghèo bền vững:

Năm 2020 và thời gian tiếp theo, tiếp tục thực hiện giảm nghèo trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều; bao gồm chiều nghèo về thu nhập và nghèo về các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, khả năng tiếp cận thông tin. Với trách nhiệm của mình, Sở Lao động  - TBXH sẽ tập trung vào 03 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện giảm nghèo bền vững như sau:

Một là, các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập:

- Tiếp tục Phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện tốt cho vay vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm đối với những những hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, chú trọng khuyến khích những hộ mới thoát nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đổi mới công tác dạy nghề cho người nghèo theo hướng thiết thực, hiệu quả như: Dạy nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm, dạy nghề trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

- Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành có liên quan, Hội Bảo trợ Người Khuyết tật – Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo, tổ chức Holt triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả hiện có trên địa bàn cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thực hiện.

Tiếp tục phối hợp với Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh và phòng Lao động – TBXH các huyện , thị, thành phố tiếp tục thực hiện mô hình "Dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng cho người nghèo" nghĩa là dạy nghề đơn lẻ theo nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo, sau khi học xong hỗ trợ phương tiện hành nghề (nếu có) hoặc giới thiệu việc làm cho người học nghề. 

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục phối hợp với các tổ chức Từ thiện – xã hội, các tổ chức phi Chính phủ như tổ chức Holt, Tzuchi thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, trợ cấp thường xuyên cho người nghèo.

Hai là, các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, khả năng tiếp cận thông tin) cho người nghèo:

Ngoài việc tiếp tục áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo, tỉnh sẽ chú trọng các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Đó là: 

- Phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, có chiều sâu trong các chính sách giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh. Thông qua các chương trình này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng lên, theo đó, người nghèo sẽ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản tại cộng đồng.

- Về Y tế:  Phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và người thoát nghèo. Phối hợp với BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho thành viên của hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Phối hợp với Sở y tế thực hiện tốt việc hỗ trợ một phần kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 3393/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh.

- Về giáo dục: Phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện tốt việc miễn, giảm  học phí cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo, cận nghèo đi học các trường Đại học, cao đẳng thuộc hệ thống công lập ngoài địa bàn tỉnh (vì hiện nay BD thực hiện chuẩn nghèo của tỉnh, không còn hộ nghèo theo chuẩn TW nên con em hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh đi học ngoài tỉnh không được miễn, giảm học phí).

- Về nhà ở: Tiếp tục rà soát, thống kê lập danh sách hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác vận động ủng hộ "Quỹ Vì người nghèo" để xây dựng Đại đoàn kết cho người nghèo. Phối hợp với NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn vay sữa chữa, xây dựng mới nhà ở và mua nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

- Về nước sạch và vệ sinh môi trường: Tiếp tục phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện tốt việc cho vay vốn ưu đãi thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh.

- Về tiếp cận thông tin: Phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng và củng cố hệ thống thông tin - truyền thông cơ sở để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo; nâng cao nhận thức về giảm nghèo của toàn xã hội, của người nghèo, khơi dậy ý thức tự vươn lên ổn định cuộc sống. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh huy động các nguồn lực, hỗ trợ trang thiết bị nghe, nhìn (ti-vi) nhằm giảm chiều thiếu hụt về thông tin cho người nghèo.

Ba là, nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền và vận động các nguồn lực xã hội, xã hội hóa công tác giảm nghèo:

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp trên, công tác tuyên truyền vận động được xác định có ý nghĩa quan trọng, thông qua công tác tuyên truyền làm cho mọi người hiểu đầy đủ hơn về việc thực hiện chuẩn nghèo của tỉnh, chính sách giảm nghèo theo từng giai đoạn. Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình giảm nghèo tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cấp Ủy - Chính quyền địa phương, cán bộ, nhân dân, tạo được sự đồng tình ủng hộ, khơi dậy lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân đối với người nghèo, thu hút được sự tham gia của quần chúng nhân dân, các tổ chức kinh tế xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác tiếp xúc hộ nghèo nhằm giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, Đồng thời tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền chính sách cho người nghèo, người cận nghèo, nhằm làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng; từ đó khơi gợi ý thức tự lực, tích cực tìm việc làm, vay vốn để sản xuất – kinh doanh; giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp "cho không" và tăng dần hình thức hỗ trợ "có điều kiện, có hoàn trả" nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn thể các cấp thực hiện tốt giải pháp "Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo", huy động nguồn lực từ các tập thể, cá nhân ủng hộ "Quỹ Vì người nghèo". Thông qua giải pháp này, nhiều hộ nghèo sẽ nhận được sự giúp đỡ kịp thời, cụ thể, thiết thực, như xây dựng nhà đại đoàn kết, trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp khó khăn cho các hộ nghèo mắc bệnh nan y nhằm góp phần thực hiện phong trào "cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng CP phát động.

        Trên đây là một số giải pháp để phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong công tác giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh, công bằng xã hội, nhằm thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững./.​

Lượt người xem:  Views:   1000
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (Click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video